TPP và cơ hội lớn đối với Việt Nam

Việt Nam có thể trở thành quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặc biệt là về đầu tư, việc làm và mức sống cho người dân. Khi TPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng tới 68 tỷ USD và GDP sẽ tăng thêm 20%.

(Ảnh minh họa)
Tại buổi Tọa đàm “TPP – Điều gì ở phía trước” diễn ra ngày 25/02 do Công ty IDT, Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN và Viện Đào tạo Apex tổ chức, các chuyên gia đã phân tích những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP. 
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương có sự tham gia của 12 nước bao gồm: Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ. 
Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ là nước được hưởng nhiều lợi ích lớn. Chúng ta sẽ nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Chúng ta cũng có thêm điều kiện hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán với Hoa Kỳ, mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, tạo cú hích mạnh mẽ để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam. 
Bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ khi tham gia TPP. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép về mở cửa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham gia TPP có thể gây một số hệ quả xã hội tiêu cực như tình trạng phá sản, thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu và ảnh hưởng tới môi trường lao động Việt Nam. Để thực thi cam kết trong hiệp định TPP, Việt Nam có thể phải sửa đổi, điều chỉnh nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ,…
Song các chuyên gia cũng nhận định: giữa cơ hội và thách thức, việc tham gia TPP mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội hơn. Tham gia TPP, về cơ bản sẽ giúp tăng trưởng kinh tế, tăng tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Việt Nam lên 20%, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước trong hiệp định, tạo ra môi trường kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp và hệ thống pháp lý mở rộng cho người làm kinh doanh, cùng với nhiều nguồn lực mới.
Và nhìn ở khía cạnh sâu hơn, để tăng trưởng và phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải nâng cao nội lực, chủ động khai thác cơ hội khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP và sẵn sàng đối phó với các thách thức trong môi trường kinh doanh thay đổi liên tục như hiện nay.

Theo hoclamgiau