Bài học từ sự kiện công ty thép Tata

Sự kiện Cty Thép Tata Steel (Tập đoàn Tata, Ấn Độ) mới đây đã tuyên bố rút hoàn toàn khỏi dự án thép 5 tỉ USD tại Hà Tĩnh được xem là một thông tin không mấy vui về tình hình FDI trong những ngày đầu năm 2014.

Tata Steel đã quyết định rút khỏi hoàn toàn 
dự án thép trị giá 5 tỉ USD tại VN sau 5 năm chờ đợi
Cho dù nhiều lý do được đưa ra như: khó khăn trong kinh doanh, cấp phép đầu tư, vốn giải phóng mặt bằng… nhưng đằng sau những nguyên nhân đó có thể thấy những bất cập trong thu hút FDI ở các địa phương.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Có lẽ, hiếm có nhà đầu tư nào phải chờ đợi công tác giải phóng mặt bằng lâu như Tata, bởi dự án được cấp phép từ năm 2007 nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai do hai bên không đi đến thống nhất được về tài chính cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong thông báo với Chính phủ VN tháng 5/2013, Tata đề cập: “Đến nay chúng tôi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cổ phần trong mỏ sắt Thạch Khê. Các vấn đề như nguồn vốn cho việc GPMB đang gây ra thách thức đáng kể cho Chính phủ VN. Là nhà đầu tư, chúng tôi đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề bằng cam kết một khoản toán ứng trước. Tuy nhiên, mặc dù có sự cố gắng từ 2 phía nhưng dự án vẫn bế tắc trong vài năm gần đây”.
Một nguyên nhân khác khiến cho quyết định của Tata rút khỏi dự án này nhanh hơn là việc một Cty thép của Đài Loan là Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã được cấp phép và đầu tư vào khu vực này đã liên tục tăng quy mô dự án, dù đây là dự án… đến sau. Cùng là nhà đầu tư FDI nhưng Formosa được tỉnh Hà Tĩnh ứng hơn 2.000 tỉ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư phục vụ dự án và di dân một cách nhanh chóng để Formosa có thể bắt tay khởi công. Trong khi đó, đề nghị tạm ứng kinh phí giải phóng mặt bằng tương tự của Tata bị từ chối với lý do tỉnh… hết tiền.
Có thể có một nguyên nhân nữa được các chuyên gia ngành thép đưa ra rằng dự án của Tata là chưa khả thi, khi trông chờ sử dụng nguồn nguyên liệu mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Điều này có thể còn phải kiểm chứng, nhưng phải khẳng định, chính việc cấp phép đầu tư bằng mọi giá để lấy thành tích mà không tính thiệt, hơn cũng như tính khả thi của dự án… mà một số địa phương đã làm thời gian qua đã phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của VN trong mắt các nhà đầu tư. Đặc biệt nó có tác động trực tiếp tới quyết định đầu tư tại VN của các nhà đầu tư quốc tế. Câu chuyện về dự án Tata để lại những bài học đắt giá về việc thu hút đầu tư ở các địa phương, nhất là những khu vực khó khăn về cơ sở hạ tầng, địa lý… Đây là những nơi khó thu hút đầu tư, nên các địa phương thường tìm mọi cách để thu hút số lượng FDI thay vì đàm phán thiệt hơn, công bằng, minh bạch với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn trong cùng một lĩnh vực.

Môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức?
VN đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi
Việc gần đây, các nhà đầu tư cũng liên tục than phiền việc họ gặp phải những khó khăn về hạ tầng cơ sở, thủ tục hành chính, công nghiệp phụ trợ…cũng như việc thay đổi chính sách liên tục trong những năm gần đây cũng khiến nhà đầu tư không kịp xoay xở và không yên tâm đầu tư kinh doanh tại VN. Điều này được các chuyên gia dự báo sẽ ảnh hưởng tới lượng và chất của nguồn vốn FDI năm nay. Chính bản thân Bộ trưởng Bộ KH – ĐT, Bùi Quang Vinh cũng phải thừa nhận rằng: “VN đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi”.
Lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra lúc này là VN phải lựa chọn những dự án phù hợp, không thể cấp phép ồ ạt như những năm trước đó. Cụ thể nên tập trung vào các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít ô nhiễm môi trường… đặc biệt cần phải hướng tới các dự án lớn, thậm chí là mục tiêu hàng đầu trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Với những tiêu chí cụ thể như vậy, dự báo thu hút FDI năm nay sẽ khó khăn hơn.
Một vấn đề nữa cũng cần phải nói là hiện các dự án đầu tư FDI vào VN vẫn chỉ là những dự án nhỏ, các dự án lớn như Samsung, Intel… vẫn còn quá ít. Một trong những lý do chính được các nhà đầu tư đưa ra vẫn là hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính chưa đủ độ hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong khi đó, các nước xung quanh VN như: Thái Lan, Indonesia, thậm chí là Lào, Campuchia, Myanmar… đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo sức hấp dẫn riêng với các nhà đầu tư. Vì vậy, để thu hút được FDI, nhất thiết cần phải có sự thay đổi trong cách nhìn nhận thu hút FDI ở mọi cấp, trên diện rộng cũng như chính sách thu hút FDI.

Theo dddn