Gần đây, có những luồng dư luận nhận xét không mấy tốt đẹp về việc xuất cà phê của VN. Chẳng hạn, có ý kiến rất “độc mồm, độc miệng” cho rằng, trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê, giới doanh nhân thì lo “chém gió”, còn các cơ quan nhà nước thì ngồi không! Nhận xét trên là không đúng sự thật và các DN cà phê Việt Nam đang hứng chịu những nỗi oan quá lớn.
Các DN cà phê Việt Nam đang nỗ lực để khẳng định thương hiệu tới thế giới
Rõ ràng, với cách suy diễn đầy ác ý đã khiến những nỗ lực của các DN cà phê bị lu mờ dù rằng những điểm yếu của một trong những thế mạnh XK VN vẫn đang hiện hữu.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ
Tôi xin khẳng định rằng, giới doanh nhân trong kinh doanh cà phê Việt Nam chỉ lo “chém gió” là hoàn toàn sai sự thật. Bởi lẽ, đội ngũ doanh nhân Việt Nam, trong những năm qua đã rất nỗ lực trong đầu tư, nâng cao phẩm chất cà phê xuất khẩu. Chẳng hạn, chỉ xét riêng ở tỉnh Đăk Lăk, một loạt DN như: Cty TNHH một thành viên 2-9 Đắk Lắk, Cty TNHH Dakman Việt Nam, Cty TNHH Minh Anh, Công ty TNHH Olam Việt Nam – Chi nhánh tại Đắk Lắk…. đã đầu tư xây dựng hàng chục nhà máy sơ chế, chế biến cà phê với công nghệ hiện đại, sản xuất được cà phê có chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ Centufed. Chi nhánh Cty TNHH Olam Việt Nam tại Đăk Lăk đã đầu tư nhiều hệ thống máy, thiết bị liên hợp gồm các khâu bóc vỏ, đánh bóng nhân cà phê và nghiền sàng thuộc loại công nghệ hàng đầu trên thế giới.
Mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị trường thế giới, các doanh nhân Việt Nam cũng đã quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu của mình. Cà phê Trung Nguyên là một trong những thương hiệu mạnh và đã được khẳng định nhiều năm trên thị trường trong nước và quốc tế. Thương hiệu cà phê Phildeli của Phạm Đình Nguyên đã thâm nhập thị trường Mỹ – một thị trường nổi tiếng “khó tính” về chất lượng cà phê. Bên cạnh hai thương hiệu nổi tiếng nêu trên còn hàng trăm thương hiệu khác đã được đăng ký bảo hộ. Những điều nêu trên cho thấy, giới doanh nhân Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh cà phê đâu chỉ lo “chém gió” và cũng không có việc các DN kinh doanh xuất khẩu chỉ mua cà phê của nông dân rồi đem xuất khẩu theo cách “ăn tươi, nuốt sống”.
Hơn nữa, cho rằng, trong việc xuất khẩu cà phê, các cơ quan Nhà nước thì ngồi không cũng là một nhận xét thiếu nghiêm túc. Thực tế cho thấy, trong khâu trồng cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho người nông dân từ khâu giống, phân bón đến kỹ thuật trồng, hái. Bộ Công Thương đã rất tích cực trong việc tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hoá của Việt Nam, trong đó có cà phê, trên thị trường nhiều nước như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thuỵ Sĩ, Cộng hoà Liên bang Đức, Bỉ, Hà Lan, Pháp… Các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cũng đã nhanh chóng vào cuộc để đấu tranh giữ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột trước sự xâm phạm của một DN cà phê nước ngoài.
Và những vướng mắc từ chính sách
Tuy nhiên, trong quản lý Nhà nước, cũng đã phát sinh tình trạng “quan tâm quá mức” dẫn đến những khó khăn không đáng có cho các DN xuất khẩu cà phê. Đó là việc Bộ Tài chính chỉ đạo việc dừng hoàn thuế GTGT đối với DN xuất khẩu cà phê. Những oan trái của các DN xuất khẩu cà phê xuất phát từ Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/06/2013 của Bộ Tài chính gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố về tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các DN (DN) có dấu hiệu rủi ro cao về thuế với quy định : “…Đối với các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản nếu mua trực tiếp của người sản xuất hoặc chỉ qua 01 khâu trung gian thì được hoàn thuế theo quy định; nếu mua hàng hóa qua nhiều khâu trung gian thì phải kiểm tra khâu trung gian trước. Nếu DN thương mại trung gian đã kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định thì mới xét hoàn thuế cho DN xuất khẩu ” – quy định nêu trên trái với Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT, Luật DN và Bộ Luật dân sự.
Quy định của Công văn 7527 đã buộc DN xuất khẩu phải trở thành một “thanh tra viên” hoặc “cảnh sát điều tra” khi mua hàng của DN thương mại trung gian. Hơn nữa, các giao dịch mua, bán hàng hoá, DN xuất khẩu và các DN thương mại trung gian đều thực hiện qua các hợp đồng kinh tế và DN xuất khẩu có nghĩa vụ phải thực hiện những cam kết trong hợp đồng, trong đó có cam kết về thanh toán. Khi DN thương mại trung gian đã giao đủ hàng theo quy định trong hợp đồng, đã cung cấp hoá đơn hợp pháp của DN đó, DN xuất khẩu phải thanh toán tiền hàng cho người bán không phụ thuộc vào việc người bán có kê khai, nộp thuế hay không.
Các DN XK cà phê và cơ quan quản lý đang hết sức nỗ lực để phát triển ngành cà phê Việt Nam.
Với chỉ đạo bằng công văn của Bộ Tài chính, việc khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT của các DN đã gặp những khó khăn lớn. Để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, các DN phải chứng minh tính hợp pháp của hoá đơn mua hàng do người bán cung cấp. Những hoá đơn đó phải đáp ứng điều kiện không phải là hoá đơn của những DN được thành lập chỉ để mua, bán hoá đơn; nếu là hoá đơn của DN “bỏ trốn” khỏi địa chỉ kinh doanh thì phải được phát hành trước ngày cơ quan thuế thông báo DN bỏ trốn. Đó thực sự là những điều kiện “đánh đố” các DN.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục thuế một số tỉnh, thành phố đã ban hành Thông báo hoặc Quyết định thu hồi số thuế GTGT đã hoàn cho các DN xuất khẩu từ năm 2012 đến nay, mặc dù, hồ sơ hoàn thuế của các DN này hoàn toàn đúng luật và đã được cơ quan thuế quản lý trực tiếp kiểm tra, xác nhận. Riêng một số DN xuất khẩu cà phê tại Đắk Lắk, số thuế GTGT đã được hoàn và có văn bản thu hồi khoảng 70 tỷ đến 80 tỷ đồng. Đây lại là một việc làm trái đạo lý và trái luật. Thu hồi số thuế GTGT đã hoàn của DN xuất khẩu là không thể chấp nhận vì đó là việc “bắt người ngay chịu tội cho kẻ gian” là “quýt làm, cam chịu”.
Khắc phục những sai lầm trong việc chỉ đạo dừng khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với các DN xuất khẩu cà phê, ngày 10/2/2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 1752/BTC-TCT chỉ đạo: “Chỉ thực hiện tạm dừng đối với số hàng hóa của hóa đơn có dấu hiệu vi phạm đang được cơ quan chức năng thanh tra, điều tra; số hàng hóa không thuộc diện có dấu hiệu vi phạm được thực hiện khấu trừ, hoàn thuế đầy đủ, kịp thời theo quy định”. Các DN hoan nghênh sự sửa sai nhanh chóng của Bộ Tài chính. Song, điều đáng quan tâm là, các công văn chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế không hề có hướng dẫn về truy thu thuế GTGT đã được hoàn. Và, với Công văn 1752 nêu trên, một lần nữa có thể khẳng định, các quyết định truy thu thuế GTGT đối với DN xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh là trái luật. Đề nghị Cục thuế tỉnh Đắk Lắk khẩn trương xem xét và thu hồi các quyết định truy thu thuế GTGT đã ban hành.
Thiết nghĩ, trong khi tình hình kinh tế đang trên đà hồi phục, rất mong những phản biện và cả những chính sách của Nhà nước hãy thực sự xây dựng và vì DN.
Ngày 2/1/2014, sáu DN xuất khẩu cà phê hàng đầu trên địa bàn tỉnh Đăk Lắk đã cùng ký đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch VCCI kêu oan về việc bị truy thu thuế GTGT đã được hoàn từ năm 2012 với số tiền khoảng 80 tỷ đồng. Đơn kiến nghị khẩn cấp của các DN cà phê khẳng định:
“i) Các DN chúng tôi là những đơn vị xuất khẩu cà phê lớn hàng đầu của Việt Nam, luôn thực hiện đúng các quy định của pháp luật thuế nói chung và về hóa đơn, chứng từ khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng nói riêng. Việc kê khai nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng của chúng tôi và các đối tác của chúng tôi đã được Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, giám sát kỹ và công nhận đủ điều kiện trước khi hoàn thuế theo đúng quy định tại Thông tư số 06/2012/TT- BTC ngày 11/1/2012 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;
ii) Lý do dẫn đến việc thu hồi hoàn thuế GTGT là vì liên quan đến các hoá đơn đầu vào bị coi là bất hợp pháp của một số Cty liên quan (trong đó có Cty TNHH Thương mại Phước Bảo). Tuy nhiên, việc các DN xuất khẩu chúng tôi mua cà phê của các Cty này là có thực, hàng đã được nhập kho và đã thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng. Theo quy định của pháp luật, thì hóa đơn của các DN bán cà phê cho chúng tôi là hoàn toàn hợp pháp, không có trong danh sách hóa đơn không còn giá trị sử dụng mà cơ quan thuế đã thông báo, đồng thời không hề có bất cứ thông báo, cảnh báo nào của các cơ quan chức năng về dấu hiệu bất hợp pháp của các DN này;
iii) Các công văn và quyết định yêu cầu truy hoàn thuế của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk là không có cơ sở pháp lý, vì việc truy hoàn này chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản quan trọng nhất mà Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk dựa vào để truy hoàn thuế, đó là Công văn số 2149/TCT-KK ngày 03-7-2013 của Tổng cục thuế về việc xxx, nhưng Công văn này lại không hề đề cập đến việc truy hoàn thuế, mà chỉ đề cập đến việc tạm dừng khấu trừ thuế GTGT.
iv) Việc quản lý và xử lý các vi phạm pháp luật của các đơn vị bán hàng cho chúng tôi là thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu có bất kỳ đơn vị nào lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; chứ không thể bắt chúng tôi, là các pháp nhân độc lập, không có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các pháp nhân khác, hoàn toàn không có lỗi và không vi phạm quy định của pháp luật, phải gánh chịu hậu quả thay. Nếu truy hoàn thuế trong trường hợp này, thì không khác nào pháp luật đánh đố DN, đánh bẫy doanh nhân, bắt người ngay trả giá cho kẻ gian, biến nạn nhân thành tội phạm”.
Theo dddn