Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cần một động lực mới để phát triển và động lực này phải bắt nguồn từ cải cách thể chế và dân chủ. Nhân dịp này, DĐDN xin trích đăng bài viết của ông Đoàn Duy Thành, Nguyên Phó Thủ tướng, Chủ tịch VCCI về “Lý luận Hồ Chí Minh về mô hình quản lý nhà nước dân chủ”.
(Ảnh minh họa)
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ các thể chế quản lý nhà nước thì quản lý theo Nhân trị, Đức trị lạc hậu hơn Pháp trị. Pháp trị tiến bộ hơn Nhân trị, Đức trị, nhưng cả hai nếu không có con người có tài có đức để quản lý nhà nước thì dù có dương cao ngọn cờ “Dân chủ”, “Nhân quyền”, “Pháp quyền”, Hiến pháp, Pháp luật, xây dựng công phu, tốn phí nhiều thời gian tiền của nhưng vẫn là trên giấy tờ. Dù ngôn từ trong các văn bản đó rất hay, hấp dẫn, nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào mà thôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ thực tế đó, nên trong lý luận của Người, Người đặc biệt quan tâm đào tạo nhân tài, giáo dục nâng cao dân trí, để có người cầm quyền có đủ đức tài quản lý nhà nước, người dân có đủ trình độ trí tuệ để nhìn rõ và kiểm tra giám sát những hành động của người cầm quyền, đòi quyền lợi của mình theo pháp luật, có như vậy thì Chế độ Dân chủ mới được thực hiện đầy đủ.
Lý luận Hồ Chí Minh về mô hình quản lý một Nhà nước Dân chủ đã thể hiện rõ trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Nội dung chủ yếu là mọi người dân phải bình đẳng trong xã hội theo Hiến pháp và Luật pháp. Không có đặc quyền đặc lợi cho bất cứ ai. Mục đích cao nhất là người dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành; có công việc làm để tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội. Thực hiện một xã hội không còn người nghèo, chỉ có người có cuộc sống trung bình trở lên, phân phối thu nhập trong xã hội phù hợp với người tạo ra của cải xã hội nhiều hay ít. Làm nhiều hiệu quả nhiều, được hưởng nhiều. Còn những người không còn sức lao động, hoặc không có khả năng lao động… thì chính sách phúc lợi xã hội giải quyết với mức sống trung bình. Những vấn đề này phải được nêu cụ thể rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu trong pháp luật, để người cầm quyền tổ chức thực hiện và người dân theo dõi sự thực thi của người cầm quyền.
Trong chế độ Dân chủ và nhà nước Pháp quyền, khó nhất là phân phối lợi ích cho các giai tầng trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự từng trải trong cuộc sống và trí tuệ thông minh hiếm có đã hiểu rõ sự phát triển tư duy con người, tìm ra một cơ chế hữu hiệu giải quyết xung đột quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân, thực hiện công bằng trong phân phối vật chất. Người xác định muốn làm tốt việc này phải chia làm 2 bước:
Bước một: Tập trung mọi khả năng của quốc gia, xóa hết người nghèo trong xã hội. Vì trong thực tế, mọi người sinh ra sợ nhất nghèo khổ, mà mỗi người sinh ra không thể lựa chọn “đầu thai” vào ai thì được sung sướng? Và ngay cả khi có cuộc sống sung sướng rồi lại gặp “tai biến” của thiên nhiên hoặc do con người gây ra làm cho nghèo khó, nó diễn ra hàng ngày, không ai có thể biết trước được, có thể hôm nay giầu, ngày mai trở nên nghèo hoặc ngược lại. Nên cần phải làm ngay, làm sớm xây dựng xã hội chỉ còn tầng lớp có đời sống trung bình trở lên…
Bước hai: Phân phối lợi ích hợp lý cho mọi tầng lớp trong xã hội theo Hiến định và Pháp định. Việc này phải làm từng bước, quy định cụ thể rõ ràng, mà khó nhất là phân phối lợi ích cho giai cấp nắm quyền. Muốn vậy, phải thực hiện đầy đủ Lý luận Hồ Chí Minh về đào tạo tuyển chọn người tinh hoa của dân tộc, gương mẫu để giao quản lý nhà nước. Người đó phải gương mẫu cả trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày để làm gương cho người dân và đồng nghiệp dưới quyền noi theo. Đó là điều khó nhất của mọi xã hội, nhất là làm sao chọn được người tài liên tục quản lý đất nước, phá bỏ tư duy lỗi thời cho rằng: “có thịnh có suy” để che dấu sự suy thoái biến chất của mình.
Thực hiện mô hình quản lý nhà nước Dân chủ theo Lý luận Hồ Chí Minh phải bảo đảm cho được 4 yếu tố quyết định sau đây:
1- Có đội ngũ cán bộ có đủ tài, đủ đức được chọn lọc dân chủ vào cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. (Người cầm quyền phải là tinh hoa của dân tộc)
2- Giáo dục nâng cao dân trí để người dân có đủ trí tuệ hiểu về quyền và lợi của mình, để giám sát việc thi hành pháp luật của người cầm quyền, biết đòi quyền lợi của mình một cách hợp pháp và làm theo pháp luật.
3- Giải quyết hết số người nghèo trong xã hội, nếu còn người nghèo là còn một “lỗ thủng” về thực thi pháp luật, nghèo nghĩa là không được học hành, không có việc làm, không đủ ăn… không có trí tuệ để kiểm tra người cầm quyền. Họ là người không được hưởng Dân chủ, Tự do, Hạnh phúc thật sự trong cuộc sống.
4- Tổ chức sản xuất thật tốt để mọi người đến tuổi lao động đều có việc làm, không thất nghiệp
Theo dddn