Sếp nghiền chat
Cách đây hai năm, sếp Hòa bị coi là “sao chổi” nơi công sở, từng đuổi cổ rất nhiều nhân viên công nghệ có trình độ chỉ vì bắt gặp họ đang chat trong giờ làm việc. Thậm chí, ông Hòa còn đặt lệnh cấm không cho phép bất kể nhân viên nào được chat hay nói điện thoại quá to nơi làm việc.
Lúc bấy giờ, ông nhìn nhận, chat là trò của mấy cô, cậu mới lớn dùng để tán tỉnh, hò hẹn nhau trên mạng. Vì vậy ông nghĩ chỉ những người vô công rồi nghề mới lấy đó làm trò tiêu khiển nơi công sở. Ấy thế mà giờ đây, ông Hòa lại là dân nghiền chat số một.
Ngày nào đến công sở, động tác đầu tiên của ông Hòa là bật máy tính, mở Yahoo đọc những tin nhắn offline sau đó lia nhanh vào những cái nick đang sáng đèn. Trong số những cái tên nằm bên góc phải màn hình máy tính ấy có đối tác bên nước ngoài mà ông đang cần liên hệ làm ăn.
Ông Hòa nhớ lại, cách đây nửa năm trong một lần tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hà Nội, ông tiếp xúc với một đối tác nước ngoài cung cấp các sản phẩm máy nghe nhạc. Sau màn giới thiệu, đối tác chìa tấm danh thiếp rồi bảo: “Chúng ta sẽ trao đổi công việc qua Yahoo, nick của tôi sáng đèn 24/24h”. Thậm chí, ông khách Tây còn nhấn mạnh: “Tạm thời cứ trao đổi qua chat, khi nào cả hai cùng “ok” thì “call” lại để tôi bay sang ký hợp đồng”.
Ông Hòa hộc tốc về cơ quan, điều đầu tiên là yêu cầu nhân viên lập một cái nick, hướng dẫn ông cách sử dụng. Sau một tháng trao đổi làm ăn qua kênh “chat room”, ông Hòa quyết định bỏ luôn lệnh cấm đối với nhân viên của mình.
Giờ thì trong tấm danh thiếp của ông ngoài số điện thoại, địa chỉ công ty còn có thêm hòm thư Yahoo, cũng là nick mà ông thường xuyên chat với bạn bè.
Trên thực tế, sự phổ biến của dịch vụ tin nhắn IM qua mạng không chỉ hấp dẫn giới trẻ, dân công sở, mà ngay cả những người lớn tuổi và ở vị trí công việc có vẻ “nghiêm nghị” nhất cũng bị cuốn theo vòng xoáy công nghệ.
Đã ngoài 50 tuổi, lại mang chức danh phó tổng giám đốc một doanh nghiệp viễn thông, ông Quang trước đây hầu như chẳng quan tâm đến việc “chat chít” vì có quá nhiều việc khác phải lo lắng.
Nhưng rồi trong những buổi họp công ty hay với các đối tác, ông thấy hầu hết những người xung quanh, thậm chí đều lớn tuổi và là sếp lớn như ông, cứ vừa họp vừa hí húi với vài cửa sổ Yahoo Messenger trên laptop.
Để ý nhiều, ông mới phát hiện hóa ra họ không hề “buôn chuyện” như ông vẫn nghĩ mà là tranh thủ trao đổi công việc bằng tiện ích tin nhắn nhanh qua Internet.
Lúc bấy giờ ông mới nhớ tới phản ứng của cậu con trai 18 tuổi khi bị bố cấm đoán chat chit. “Thời buổi này không biết vi tính sẽ bị coi là nông dân lạc hậu, mọi thông tin trao đổi qua chat, qua send file nhanh gấp nhiều lần so với việc bấm xoành xoạch bàn phím ở chiếc di động hay gửi mail”, con trai ông từng nói.
Ông tự mày mò lập một cái nick bằng chính tên mình để phục vụ cho công việc. “Giờ thì tôi là một chatter xịn, đi đâu cũng kè kè chiếc máy tính, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể liên lạc với nhân viên của mình. Công việc nhanh chóng trao đổi, ngắn gọn và chính xác hơn truyền tải bằng miệng”, ông nhận xét.
Để bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và dân cư mạng, dạo này sếp Quang cũng đang “tập tành” viết blog. Ông cho hay sau khi hoàn thành công trình này sẽ để chế độ public để các nhân viên hay bạn bè có thể vào tranh luận thoải mái những vấn đề mà họ quan tâm. “Tôi kỳ vọng, đây còn là diễn đàn trao đổi kinh nghiệp để những người có cùng ý tưởng với mình tham gia”, ông nói.
Những người như ông Quang, ông Hòa dường như không còn hiếm trong thế giới kết nối của công nghệ Internet và tin nhắn nhanh. Ông Hải – phó giám đốc một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không cho rằng tán gẫu qua mạng cũng là một kênh giải trí giúp dân công sở giải tỏa stress làm giảm áp lực công việc.
“Khi đã có danh sách các bạn chat rồi thì chỉ cần treo trên status câu như: “Tôi đang rất buồn”, “Tôi mệt” hay “Tôi cần giúp đỡ”… lập tức, bạn sẽ nhận được những lời an ủi, động viên từ bạn bè”, ông Hải nói. Theo ông, cái tiện từ công cụ trao đổi thông tin này là trong một số trường hợp lời nói không thể hiện được hết quan điểm thì bàn phím và sẽ thể hiện được.
Mạnh Hùng – Giám đốc một công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực quảng cáo còn thẳng thừng tuyên bố: “Tôi online nghĩa là tôi tồn tại”. Minh chứng cho quan điểm này, ngoài thời gian ở cơ quan, tối về Hùng cũng dành ít nhất là một giờ để “lướt web” hoặc trao đổi thông tin với đồng nghiệp.
Hùng nói vui: “Quả là, thiếu vợ một vài ngày cũng chẳng sao nhưng thiếu Internet, điện thoại vài giờ là cảm thấy hết chịu nổi”.
Theo www.tapchilamdep.com