Thất nghiệp…một cách danh giá

Thiếu kinh nghiệm, không đủ năng lực hoặc sức khỏe yếu mới thất nghiệp. Thế nhưng, có những người đã nhiều năm kinh nghiệm trong cương vị quản lý, có bằng cấp quốc tế, học hàm học vị nhất định… vẫn “thất nghiệp” như thường.

Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là kiểu thất nghiệp của một số người mà không phải ai muốn cũng được – “thất nghiệp… danh giá”.

Lương cao chưa phải là tất cả

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin của ĐH Washington và có thâm niên 10 năm giảng dạy tại Mỹ, về nước, với bằng cấp và kinh nghiệm quốc tế ấy, như một “món hàng” xịn, anh K từng được săn đón chu đáo bởi nhiều công ty trong và ngoài nước tại Việt Nam, tất nhiên là với mức lương không dưới 1.000 USD/tháng.

Rất hồ hởi, anh K làm việc hăng say. Những khó khăn ban đầu xuất hiện, anh tự cho rằng đó chỉ là những khác biệt về môi trường làm việc có thể thích nghi dần qua thời gian…

Rồi một lần vì sửa chiếc máy tính hỏng anh phải trình giấy tới 8 lần qua các phòng ban mà vẫn không xong, lại thêm chuyện chồng chéo nhau giữa các sếp, rồi họp hành tối ngày không có thời gian dành cho chuyên môn… Cuối cùng, anh quyết định thay đổi chỗ làm. Qua một vài chỗ làm mới, cơ chế vẫn không khả quan hơn, và hiện giờ anh K. đang trong tình trạng…

không làm một việc gì ổn định. Ngoài thời gian dành cho nghiên cứu chuyên môn, tham gia ngẫu hứng, thời vụ vào những dự án của một công ty hay một tổ chức phi chính phủ nào đó, anh K thường ở nhà chăm sóc con cái. Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục chờ đợi cơ hội một ngày được làm việc và cống hiến theo đúng chuyên môn và năng lực của bản thân.

                                   

Có những người đã nhiều năm kinh nghiệm trong cương vị quản lý,
có bằng cấp quốc tế, học hàm học vị nhất định… vẫn “thất nghiệp” như thường

Không từng ở nước ngoài như anh K nhưng tình trạng không làm việc của anh Lê văn Hoà hiện cũng được xem là “danh giá”. Nghỉ làm ở nhà lo cơm nước, con cái, anh H. tối đến đi học thêm tiếng Anh vừa học ôn để thi cao học ngành Quan hệ quốc tế.

Dù trước đây anh từng học qua nhiều trường lớp như ĐH Kinh tế , ĐH Ngoại ngữ (thuộc ĐH Quốc gia HN), ngành Quốc tế học thuộc ĐH Quốc gia HN, nhưng với anh, việc tiếp tục học lên là con đường “mở rộng tầm nhìn chiến lược”. Nghe thì có vẻ khó hiểu, nhưng nhiều năm làm việc cho các công ty của Mỹ, Hồng Kông, Singapore…, từng kinh qua nhiều cương vị của người quản lý, anh nhận thấy: “Lương cao, môi trường làm việc rất quan trọng nhưng đó chưa phải là tất cả, với tôi bây giờ theo đuổi công việc mình yêu thích mới là quan trọng”.

Từ bỏ mức lương 3.000 USD/tháng của một ngân hàng, anh trưởng phòng của một ngân hàng thương mại ngày nào giờ chỉ chuyên tâm vào học hành và con cái, điều mà khi nghe nhiều người khó mà hiểu nổi.

Dưới 600 USD… không làm!

…Là câu chuyện về một số sinh viên ở Hà Nội . Còn Phạm T.G. mới tốt nghiệp ĐH Houston (Texas, Hoa Kỳ) đã được nhiều doanh nghiệp để mắt tới. Nhưng G. thẳng thắn tuyên bố rằng “nếu dưới 600 USD thì không làm!”. 


G. lý giải thêm: “Cứ như em, bố mẹ là viên chức nhà nước bình thường, học phí mấy năm phải tính cả ngàn đô thì tìm việc không thể không nghĩ đến những gì mình đã bỏ ra”. Vậy nên, thời gian thất nghiệp không kéo dài, sắp tới V. sẽ chính thức đi làm cho một công ty liên doanh nước ngoài với mức lương khởi điểm là 700 USD/tháng.

Tình trạng thất nghiệp của Nhật Hằng – cựu du học sinh Hàn Quốc cũng khá đặc biệt. Là con một trong một gia đình khá giả, Hằng thực sự may mắn khi không phải quan tâm đến gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Thư thả trang bị đủ kiến thức để làm việc, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, Hằng về nước vừa chờ tìm việc vừa tranh thủ… đi du lịch.

Ai hỏi về chuyến phiêu lưu rảnh rang của mình, Hằng luôn nói rằng mình đi vì đang bị thất nghiệp.

Thực ra, thiết kế công nghiệp còn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, Hằng muốn tìm được một chỗ làm phù hợp thực sự để ứng dụng tốt nhất những gì đã học được ở nước ngoài.

Cũng như các trường hợp trên, thất nghiệp vì chưa muốn đi làm, và cuối cùng cô cũng tìm được một chỗ ưng ý nhờ một người bạn mà cô tình cờ quen được trong hành trình du ngoạn khi thất nghiệp của mình….

Đó cũng là những cách không giống nhau người ta thực hiện khát vọng của bản thân. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải là phổ biến, và chỉ thường diễn ra với những người thực sự tự tin về khả năng của mình.

Theo tapchilamdep.com