Hình ảnh những cô cậu cử nhân không tìm được việc làm phải đi tiếp thị bia, giao hàng, làm công nhân… trong phóng sự ảnh “Ngậm ngùi cử nhân” trên Tuổi Trẻ ngày 4-5 thu hút nhiều bạn đọc tham gia bình luận.
Tuyết Nhung tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh hệ CĐ Trường CĐ công nghệ kỹ thuật Vạn Xuân, không xin được việc làm đúng chuyên ngành, Nhung phải đi làm trái ngành nhiều nơi. Hiện Nhung là nhân viên bảo vệ của Công ty DV bảo vệ Ngày và Đêm
Trong đó, bạn đọc lý giải nguyên nhân cử nhân không tìm được việc làm là do chính bản thân họ; đào tạo tràn lan, cung nhiều hơn cầu nên “thất nghiệp là tất yếu”.
Bạn đọc Lê Đức Toàn phân tích việc cử nhân thất nghiệp căn nguyên do nền giáo dục nhưng cũng chính là do bản thân người học. “Nếu chúng ta tài giỏi thì với kiến thức đã học trong nhà trường cũng đủ để tạo công việc cho mình” – Toàn lập luận. Tuy nhiên, một số bạn đọc khác cho rằng ý kiến của Toàn “không lọt lỗ tai”. Một người phản bác: “Với vốn kiến thức ở trường thì làm gì mà tự tạo được việc làm. Trường học là lý thuyết, còn thực tế công việc là chuyện khác”.
Bên cạnh đó, một số bạn đọc “lên án” việc các trường đại học mọc lên vô tội vạ, không có quy hoạch nguồn nhân lực là nguyên nhân gây nên tình trạng trên. “Hậu quả của việc nhà nhà mở trường, người người mở trường. Không có gì lạ, cung nhiều hơn cầu thì thất nghiệp là tất yếu” – một người bình luận.
Và cũng có ý kiến cho rằng những sinh viên đề cập trong bài báo “toàn học trường tào lao thì ai nhận”. Bạn đọc này đề nghị: “Xem lại đầu vào, đầu ra, chất lượng đào tạo của các trường như thế này. Không phải cứ có tấm bằng đại học của bất kỳ trường nào là cũng có thể được xã hội chấp nhận”.
Ở một góc độ khác, bạn đọc Bùi Vĩnh cho rằng định hướng phát triển giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp đang… lạc lối. “Xã hội chỉ cần 20% cử nhân và 80% công nhân kỹ thuật, trong khi chúng ta làm ngược lại tỉ lệ trên. Những thanh niên khi khả năng của họ chỉ phù hợp bậc trung học chuyên nghiệp và làm công nhân thì lại rộng toang cửa để họ dễ dàng có cái bằng cử nhân. Và họ luôn nghĩ mình là cử nhân thì phải làm trí thức, không thể lao động chân tay được. Thất vọng vì không xin được việc đúng với bằng cấp được đào tạo đã biến họ thành kẻ chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống”.