Tất cả chúng ta đều từng biết ít nhất một người nào đó rất ghét công việc của chính mình. Người đó có thể âm thầm chịu đựng, hoặc tìm ai đó trút bầu tâm sự, nhưng có một điều chắc chắn, đó là họ thực sự không vui vẻ chút nào với nơi mà họ phải dành ra ít nhất 40 tiếng/ tuần và 51 tuần/ năm.
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến bất mãn trong công việc. Lương thấp, thời gian thất thường và không được ngồi gần cửa sổ đều có thể là thủ phạm, và chắc chắn chúng là những nhân tố góp phần tạo nên thái độ tồi tề với công việc. Tuy vậy, theo một nguồn dữ liệu, thì những việc đó không thực sự là nguyên nhân cơ bản khiến nhân viên cảm thấy uể oải chán chường mỗi khi nghĩ đến 9h sáng ngày hôm sau.
CareerBliss là một trang web lưu trữ dữ liệu trực tuyến. Trang web này tính toán mức độ hài lòng với công việc dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó có văn hóa công sở, những người đồng nghiệp ngồi kế bên bạn hàng ngày và người sếp trực tiếp quản lý bạn.
Dựa trên một cuộc khảo sát với hàng trăm nghìn nhân viên được thực hiện năm 2011, CareerBliss đã tìm ra 10 công việc bị ghét nhất bởi chính những người làm công việc đó. Họ đánh giá chúng trên thang điểm từ 1 đến 10. Trong hầu hết các trường hợp, người phản hồi đều cho răng các nhân tố khiến công việc bị ghét không phải mức lương tệ bạc hay bàn làm việc gần phòng vệ sinh. Trên thực tế, CareerBliss phát hiện ra cơ hội phát triển hạn chế và thiếu tặng thưởng mới chính là nhân tố làm tăng chỉ số bất mãn với công việc nhiều nhất.
Dưới đây là danh sách 10 công việc bị ghét nhất. Kết quả có thể sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên.
10. Quản lý Marketing
Quản lý marketing chịu trách nhiệm giám sát quảng cáo và xúc tiến thương mại. Công việc gồm có phát triển chiến lược để đạt mục tiêu doanh thu, dựa trên nghiên cứu những vấn đề như điều tra khảo sát khách hàng và tập tính của thị trường.
Theo Career Bliss, đa số người phản hồi ở vị trí này chỉ ra việc thiếu định hướng chính là nguyên nhân chính dẫn đến bất mãn với công việc. Những người phản hồi lạc quan nhất thì nói việc này là “có thể chấp nhận được”, và đưa ra lời tán dương khả quan nhất có thể: “Dù sao đó cũng là công việc.” Mà quả thực là vậy.
9. Thợ máy CNC
Thợ máy CNC là người vận hành các loại máy móc bằng máy tính. Nó thay thế các quy trình cũ vốn được thực hiện bằng tay, tốc độ chậm và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người vận hành.
Giờ đây những mối nguy đó của người vận hành đã được dẹp bỏ nhờ có máy móc, và công việc của họ không có gì nhiều hơn là ấn nút và giám sát thiết bị để đảm bảo rằng máy móc vấn được làm mát ở mức độ an toàn. Do đây là một kĩ năng đặc biệt, nên công việc này không có cơ hội phát triển nào, và việc này khiến những người phản hồi rất bất mãn với công việc.
8. Chuyên viên phân tích hỗ trợ kĩ thuật
Chuyên viên phân tích hỗ trợ kĩ thuật giúp mọi người giải quyết các vấn đề với máy tính của họ. Công việc này thường yêu cầu diễn giải những lời khuyên về kĩ thuật một cách thật điềm tĩnh cho những người chẳng biết gì về máy móc, có những người đôi khi chỉ vì quên không bật máy in mà cũng gọi chuyên viên đến sửa chữa.
Chuyên viên hỗ trợ kĩ thuật thường làm việc ở nhiều nơi khác nhau, họ có lúc còn phải làm việc vào cuối tuần.
7. Thư kí luật
Thư kí là chức vụ được săn đón nhiều nhất trong lĩnh vực pháp lý. Thư kí luật hỗ trợ xử án bằng cách viết lại các quan điểm, và những người được chọn vào vị trí này hầu hết đều phải học giỏi nhất nhì các trường luật. Có đến 6 thẩm phán trong Tòa án tối cao Mỹ đều từng làm thư kí luật trong những ngày đầu sự nghiệp của mình.
Tuy vậy, những người làm công việc này cũng thể hiện mức độ bất mãn khá cao. Thời gian làm việc dài và phải chịu lệ thuộc vào cái tính sớm nắng chiều mưa của ông chủ nếu không may ông chủ của họ là một người đồng bóng. Mức lương trung bình cho công việc này ở Mỹ là 39.780 USD/năm, một mức lương chưa đủ hấp dẫn. Và đặc biệt những ai mong muốn được nâng cao khả năng làm việc sẽ không hài lòng với công việc này.
6. Chuyên viên kĩ thuật điện tử
Công việc của họ là duy trì, khắc phục và thu thập dữ liệu đo lường hàng tháng cho các hệ thống điện tử. Họ làm việc trong mọi lĩnh vực. Nhưng dù làm trong mảng nào, các kỹ thuật viên phải làm việc cả trên web lẫn ngoài đời thực và phải giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng, đồng thời còn phải có khả năng nhanh chóng giải quyết các vấn đề kĩ thuật phức tạp dưới áp lực căng thẳng.
Những người làm công việc này không hài lòng do một vài nguyên nhân. Có người phàn nàn rằng họ có “quá ít quyền kiểm soát” và vì thế mà từ bỏ công việc, nhưng người khác lại có phàn nàn về “lịch trình làm việc, ít thành quả, không có cơ hội thăng tiến thực sự, đồng nghiệp không tạo động lực cho nhau làm việc chăm chỉ, không hướng dẫn lẫn nhau, thiếu thân thiện với những nhân viên khác.”
5. Chuyên gia kĩ thuật
Theo CareerBliss, một chuyên gia kĩ thuật “đứng đầu công việc phân tích, định nghĩa, thiết kế, xây dựng, thử nghiệm, cài đặt và chỉnh sửa các loại hạ tầng kích cỡ từ trung bình đến lớn.”
Đây là vị trí lãnh đạo đòi hỏi những am hiểu sâu sắc về ngành kĩ thuật. Tuy vậy, các chuyên gia kĩ thuật lại cho rằng bất kể họ rất có tài chuyên môn, họ vẫn cảm thấy mình bị thiếu tôn trọng. Họ chỉ ra rằng “thiếu giao tiếp từ vị trí quản trị cấp trên” và cảm thấy “những nỗ lực của họ không được xem xét một cách nghiêm túc.”
4. Nhà phát triển web cấp cao
Các nhà phát triển web cấp cao phụ trách thiết kế, duy trì và phát triển ứng dụng cho internet. Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, chúng ta có thể thấy hầu như mọi loại công ty đều cần có nhà phát triển web, có thể dưới hình thức lao động toàn thời gian, bán thời gian hay thời vụ.
Các nhà phát triển này cho thấy họ rất không hài lòng với công việc, do quan niệm rằng nhân viên của họ khó có thể giao tiếp mạch lạc và thiếu khả năng lĩnh hội công nghệ.
3. Quản lý sản xuất
Quản lý sản xuất là một chức danh khá rộng và đa nghĩa, tùy thuộc vào mỗi công ty cũng như lĩnh vực của nó. Trong một số trường hợp, công việc chỉ đơn giản là đánh giá xem sản phẩm nào phù hợp nhất với mô hình kinh doanh của công ty. Trong một số trường hợp khác, công việc này có thể còn bao hàm cả quản trị tiếp thị và quản trị nhân lực.
Mức độ bất mãn dành cho công việc này rất cao. Có người phản hồi phàn nàn rằng công việc hạn chế thăng tiến. Người khác thiếu lịch sự hơn thì nói “công việc rất chán và có hàng đống những công việc văn phòng cùng cấp bậc.”
2. Giám đốc bán kinh doanh
Họ là người lập kế hoạch và thực thi những nỗ lực nhằm thúc đẩy công ty cũng như hoạt động kinh doanh. Nhiệm vụ của họ gồm có quản lý ngân sách, quan hệ công chúng và đào tạo nhân viên.
Giám đốc kinh doanh xếp thứ 2 trong số những công việc đáng ghét nhất trong cuộc khảo sát. Phần đông những người hồi đáp chỉ ra rằng thiếu hướng dẫn từ vị trí quản lý cấp trên và thiếu cơ hội phát triển là nguyên nhân chính gây ra sự bất mãn nơi họ.
1. Giám đốc công nghệ thông tin
Mặc dù giáo viên và y tá mới là những người phải chịu áp lực của thời gian làm việc dài, lương thấp và công việc bạc bẽo, thật đáng ngạc nhiên khi công việc bị ghét nhất, theo cuộc khảo sát của CareerBliss, lại là giám đốc IT. Nói cho cùng, với mức lương khá hấp dẫn, trong thời đại mà công nghệ thông tin đã trở thành bộ phận phổ biến trong công việc kinh doanh hàng ngày, một giám đốc IT nhiều khả năng nắm giữ vận mệnh của công ty cũng như trở thành CEO công ty đó.
Tuy vậy, các giám đốc IT thể hiện mức độ bất mãn cao nhất, thậm chí vượt xa cả những vị trí như bồi bàn, bảo vệ hay khuân vác. Nguyên nhân của sự bất mãn này được đúc kết rất ngắn gọn như sau: “Thói dung túng cho người thân, bạn bè, không tôn trọng nhân viên.”
Theo: CafeF