Bài học từ Henry Ford: Hãy làm việc cùng nhau

“Đến với nhau chỉ là bước khởi đầu. Giữ được sự gắn kết là bước tiếp theo. Làm việc cùng nhau mới là thành công,” Ford nói. “Nếu mọi người đều tiến lên phía trước cùng nhau, thì thành công sẽ tự nhiên mà đến.”
Ford không chỉ cách mạng hoá ngành công nghiệp ô tô và cách mà thế giới dịch chuyển, mà ông cũng còn được biết đến với chính sách lao động “độc đáo”. Đôi khi gây tranh cãi, ý tưởng đằng sau chính sách về con người của Ford là ý niệm về cách làm việc nhóm. Bằng cách xoá bỏ sự bất bình đẳng giữa các nhân viên, Ford tạo ra một môi trường mà ở trong đó sự sáng tạo được khuyến khích và trách nhiệm của từng cá nhân được tăng cao.
Ford tin rằng ý niệm về sự bình đẳng không phải chỉ là một sự lãng mạn phi thực tế và không thể áp dụng vào thế giới kinh doanh. Khi ông quan sát những nhân công, ông nhận ra rằng một số người có sức khoẻ, còn một số người khác lại có trí óc nhanh nhẹn. Mỗi người có thế mạnh và điểm yếu riêng, và Ford quyết định tạo ra một môi trường giúp họ bình đẳng với nhau.
Khi thuê nhân công, Ford thực hiện một điều hiếm thấy trong kinh doanh, đó là không đếm xỉa đến lý lịch hay kinh nghiệm của một người. “Tôi không quan tâm là một người có bằng Harvard, hoặc vừa ra khỏi trại SingSing,” ông nói. “Tôi muốn tuyển người, chứ không tuyển lý lịch của anh ta.” Thay vào đó, Ford muốn tìm trong mỗi người sự sẵn sàng làm việc. Ông tin rằng bất kể người nào, dù quá khứ có thể nào chăng nữa, cũng có mặt tốt và chỉ cần được cho một cơ hội để thành công. Niềm tin của ông vào khả năng của nhân công đã gây cảm hứng giúp họ cống hiến hết mình cho công ty.
Ford cũng từ bỏ việc thuê các chuyên gia vì ông nghĩ họ sẽ tạo giới hạn cho tiềm năng phát triển và cải tiến. “Đó là vấn đề của những người thông thái – họ thông thái và thực tiễn đến mức họ biết chính xác tại sao một ý tưởng không thể thực hiện được; họ luôn biết những giới hạn.” Với tất cả những kiến thức của họ, họ sẽ không bao giờ làm được việc gì cả, Ford nói đùa. Ford muốn tìm những người có một khả năng bất tận đến mức không biết được điều gì là không thể.
Để thể hiện điều này, Ford từ chối đưa ra những tên gọi cho chức vụ của nhân viên. Ông nói “Tôi không tin vào những tên gọi, chúng khiến một người nghĩ anh ta là cấp trên.” Thay vào đó, mọi người được coi như là ở cùng một cấp bậc và mỗi người có một trách nhiệm cá nhân riêng. Bằng cách xoá bỏ các giới hạn của quyền lực, Ford có thể giữ một lực lượng lao động ổn định mà không cố gắng áp đặt lên người nào cả.
Hệ thống lương bổng cao của Ford, với những nhân viên của ông được trả gấp đôi lương trung bình, cũng tạo động lực cho lòng trung thành của đội ngũ nhân công. “Nhân viên tốt nhất của mình cũng phải là khách hàng tốt nhất của mình.” Điều này đã tạo nên những hàng dài bên ngoài trụ sở những người muốn nộp đơn xin làm cho Ford.
“Bạn sẽ thấy có những người muốn được người khác cõng, và những người nghĩ thế giới nợ họ tiền phụ cấp,” Ford nói. “Họ không hề nghĩ rằng chúng ta phải cùng nâng và cùng kéo thế giới này lên.” Thật vậy, đó là điều mà Ford muốn tạo cảm hứng cho nhân viên của ông – một ý chí muốn cùng làm việc và chung sức. Chỉ bằng cách đó mà Ford có thể tạo ra một đội ngũ miệt mài, những người đứng sau thành công tột bậc của ông ấy.
Đây là bài thứ tư trong chuỗi năm bài viết về các bài học của Henry Ford trong sự nghiệp rực rỡ của ông. Mỗi bài viết sẽ là một bài học quý báu mà Henry Ford nhận được khi theo đuổi tham vọng của mình.

Theo Evancarmichael.com