Giặt đồ thuê – bạn đã thử?
Không khó để bắt gặp hình ảnh một cô bạn trong khuc vực B13 ký túc xá ĐH Bách Khoa cứ chiều chiều lại xách hàng túi đồ quần áo về phòng. Khi được hỏi, Hường (tên cô bạn) cười, và nói: “Mình là con một nên bố mẹ cũng chiều, sắm khá đầy đủ các vật dụng trong phòng từ máy giặt đến bình nóng lạnh… Máy giặt nếu để chỉ mỗi phòng mình thì cũng hơi lãng phí, ban đầu mình cho mấy phòng bên cạnh giặt hộ vào lúc trời mưa. Nhiều lần thành quen, các bạn cũng trả tiền điện và sau đó thì thành dịch vụ như bây giờ”. Hường không tính tiền “dịch vụ” theo khối lượng đồ mà việc tính tiền ở đây được tính bằng số giờ đồng hồ của mỗi lần giặt, giá tiền cũng rất sinh viên.
Khi hỏi các bạn của Hường về dịch vụ này các bạn rất hào hứng chia sẻ: “Mình thấy giá tiền cũng rất mềm, hợp với túi tiền của sinh viên bọn mình. Vì thế, tụi mình cũng thường xuyên đưa quần áo, chăn màn loại nhẹ qua đây giặt. Giặt máy giặt vừa mau khô mà lại không tốn sức lắm” – Lâm sinh viên năm 3 ĐH Bách khoa.
Hường cũng cho biết thêm: ” Mình cũng thoải mái nên cũng khá đông bạn mang quần áo đến giặt. Vừa đỡ tiền điện cho cả phòng, vừa kiếm thêm thu nhập chi tiêu cho những sinh hoạt cá nhân. Mỗi tháng trung bình tớ thu nhập được khoảng 1,5 triệu, mùa đông thì khá hơn, khoảng 2 triệu mỗi tháng”.
Người bán “hiểu” người mua
Có những dịch vụ rất sinh viên mà chỉ các bạn ở KTX mới hiểu được. Hình ảnh người đi bán xôi, bán bánh vào ban đêm mà không tiếng rao. Dường như người bán hàng hiểu từng phòng trong các dãy ở KTX muốn mua bánh hay xôi gì vào mỗi đêm. Và người mua cũng hiểu tầm vào thời gian nào thì người bán sẽ tới.
Không ai khác, đó là những sinh viên trong KTX đi bán xôi, bán bánh vào đêm khuya cho các bạn khác muốn ăn đêm. “Lúc đầu thì bọn mình cũng ngại, cũng không dám vào những dãy cùng khóa học với mình để bán. Nhưng bây giờ thì quen rồi, các bạn cũng hiểu được và nhiều hôm hàng ế, các bạn còn xúm vào mua chống ế cho tụi mình”, Minh Huyền, sinh viên năm 3 một trường ĐH ở Hà Nội tâm sự.
Huyền kể “ban đầu thì các bạn chưa thạo thành trong việc ước lượng số lượng xôi và bánh để bán nên cũng thường xuyên bị ế. Hôm nào ế là cả phòng không phải ra căng tin ăn cơm. Nhưng sau đó, dần dần thì cũng quen nên đa số hôm nào cũng bán vừa hết. Nhờ sự chịu khó đi bán xôi và bán bánh vào ban đêm mà Huyền cũng đủ thu nhập để trang trải cho những sinh hoạt cá nhân của mình mà không cần sự viện trợ của gia đình.”
Còn anh chàng Nguyễn Quốc Tuấn thì chia sẻ: “Mình cũng hay đi bưng bình nước lọc từ căng tin lên các phòng ở tầng cao cho các bạn. Mỗi lần bưng nước như thế, mặc dù số tiền không đáng là bao nhưng nếu chịu khó, đi bưng nhiều thì thu nhập cũng khá”. Nhìn những giọt mồ hơi rơi trên nét mặt tươi vui của Tuấn mà thấy mùa đông sao ấm áp đến vậy. Tự hào khi cầm trên tay những đồng tiền mồ hôi của mình làm được từ công việc chân chính, chi tiêu những đồng tiền ấy vào học hành cũng như sinh hoạt, đỡ gánh nặng cho mẹ cha…
Kết lại
Làm thêm nhưng không phải bươn chải xa xôi, ngay trong môi trường của mình các bạn sinh viên đã tự kiếm thêm thu nhập, trang trải thêm chi phí học hành, sinh hoạt, đỡ tiền cho cha mẹ. Tuy nhiên, làm thêm mà không để công việc đó chi phối thời gian của bạn, hãy có một kế hoạch cụ thể cho thời gian học và làm phù hợp.
Theo CleverJobs