Tuy nhiên, vai trò của quản trị nhân sự, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam với rất nhiều người vẫn là một khái niệm mơ hồ.
Vai trò của quản trị nhân sự
Vai trò của “quản trị nhân sự” là quản lý, duy trì và phát huy tối đa sức mạnh của nguồn lực nhân sự, một nguồn lực quan trọng trong mỗi tổ chức/ doanh nghiệp. Quản trị và phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu của cả doanh nghiệp/tổ chức và cả của người lao động.
Một ví dụ rất dễ nhận thấy trong thực tế về vai trò của quản trị nhân sự là khi người làm nhân sự tìm được đúng người cho đúng việc, vào đúng thời điểm (right person for right job at right time) thì cả doanh nghiệp/tổ chức và người lao động đều có lợi.
Ở Việt Nam, ngành nhân sự vẫn còn khá mới mẻ và không nhiều người đánh giá được đúng tầm quan trọng của hoạt động quản trị và phát triển nguồn nhân lực như đúng bản chất của nó là hoạt động liên quan đến mọi hoạt động quản trị khác, có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tổ chức/doanh nghiệp với người lao động.
Nhiều người nhìn nhận hoạt động chính của quản trị nhân sự chỉ bao gồm tuyển dụng nhân sự về làm việc cho tổ chức và trả lương cho nhân viên, đó là một quan niệm phiến diện. Trong thực tế, hoạt động quản trị nhân sự phong phú hơn, có thể chia các họat động trong quản trị nhân sự ra làm ba nhóm chính:
– Nhóm hoạt động quản lý: bao gồm các hoạt động thiết kế tổ chức và thiết kế công việc; hoạch định nguồn nhân lực; lựa chọn và bố trí nhân lực; theo dõi, quản lý công việc
– Nhóm hoạt động phát triển: bao gồm các hoạt động đào tạo và phát triển; phát triển tổ chức và phát triển công danh. Cần phân biệt các hoạt động đào tạo và phát triển với việc phát triển công danh. Đào tạo và phát triển là hoạt động nhằm nâng cao năng lực của nhân viên, còn hoạt đông phát triển công danh nhằm hỗ trợ các nhân sự có triển vọng hoạch định lộ trình công danh của họ cùng với sự phát triển của tổ chức, nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận và giữ chân nhân tài.
– Nhóm hỗ trợ: bao gồm các hoạt động xây dựng chính sách lương, thưởng, chế độ phúc lợi; tư vấn cho người lao động; quan hệ lao động và nghiên cứu, hệ thống các thông tin về nguồn nhân lực.
Như vậy, trong một tổ chức, có phải chỉ có phòng nhân sự có chức năng thực hiện các hoạt động quản trị nhân sự không? Hoàn toàn không phải như vậy. Để hoạt động quản trị nhân sự được thực hiện một cách hiệu quả, cần sự tham gia trước tiên là của các cán bộ quản lý cấp cao, ví dụ như Ban giám đốc, các cán bộ quản lý trực tiếp và toàn bộ các cán bộ nhân sự của tổ chức.
Mỗi một bộ phận sẽ chịu trách nhiệm một mảng công việc khác nhau. Cán bộ quản lý cấp cao có trách nhiệm xây dựng mục tiêu chiến lược. Phòng nhân sự chịu trách nhiệm đưa ra chính sách và xây dựng cơ cấu, hệ thống. Người hàng ngày tiếp xúc và làm việc trực tiếp với nhân viên trong tổ chức là các nhà quản lý trực tiếp sẽ thực hiện các hoạt động quản lý liên quan trực tiếp đến cá nhân người lao động.
Như vậy, có thể thấy vai trò của bộ phận nhân sự trong hoạt động quản trị là tạo ra các điều kiện thuận lợi để phát huy sức mạnh của nguồn lực quan trọng nhất trong tổ chức là nguồn nhân lực nhằm đưa tổ chức đạt tới các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Theo TVN