Làm gì khi đồng nghiệp được sếp thiên vị?

So với cô bạn đồng nghiệp cùng phòng, bạn tự thấy mình cũng chả thua kém gì. Nhưng sao có chuyện gì sếp cũng gọi cô ấy, bao nhiêu cơ hội đều dành trọn cho cô ta, bạn thì chả được đoái hoài gì? Có phải sếp đang thiên vị cô ta, hay bạn bị sếp “trù dập”?

Lỗi tại ta?
Bạn hãy chú ý quan sát để tìm hiểu bản chất của vấn đề. Nếu thấy “hiện tượng” thiên vị liên tục xảy ra: cô bạn đồng nghiệp được cử đi học nâng cao nghiệp vụ, được đi công tác nước ngoài, được sếp cân nhắc cho vị trí mới, được tăng lương,… trong khi bạn và cô ta cùng làm việc như nhau, như thế nghĩa là vấn đề có vẻ “nặng” rồi đấy.
Thử nghĩ lại xem trước đây, bạn đã mắc sai lầm nào quá lớn, khiến sếp bị ác cảm không. Chẳng hạn, đã có lần sếp ưu ái đưa bạn đi cùng đến một cuộc gặp gỡ đối tác, nhưng bạn đã nói nhiều câu hớ hênh, khiến sếp “tẽn tò”. Hay cách ăn mặc và tính cách của bạn “có vấn đề”, khiến sếp không muốn đưa bạn đến những chỗ đông người, hoặc dành cho bạn những cơ hội quan trọng.
“Mon men” nói chuyện cùng với những người thân cận bên sếp, bạn cũng khai thác được ít nhiều thông tin đấy.

“Học” tâm lý sếp
Bạn có rành tâm lý sếp không? Bạn có biết sếp thích mẫu nhân viên nào không? Khi chọn trợ lý hay người thân cận, sếp thường coi trọng yếu tố nào nhất? Sếp là người đặt sự nghiệp lên trên hay sếp thích dung hòa giữa gia đình và công việc? Sếp thích kiểu trang phục nào?… Những điều đơn giản và nhỏ nhặt ấy chính là cách để bạn tiến gần đến sếp đấy.

Tiếp cận đối phương
Sao bạn không hỏi thẳng cô bạn đồng nghiệp nhỉ, tất nhiên trong trường hợp cô ấy là một người tốt, hiểu vấn đề bạn đang quan tâm. Hãy nói để cô ấy hiểu và thông cảm với những băn khoăn của bạn. Qua cuộc trò chuyện với cô ấy, bạn sẽ nhận ra mình còn thiếu điều gì. Có thể cô ấy có những nét đáng quý hơn bạn ngoài năng lực công việc, chẳng hạn như cô ấy luôn nhiệt tình, vui vẻ, lạc quan, biết quan tâm đến người khác, biết đưa ra lời nhận xét vấn đề, biết cách động viên, quan tâm đến sếp,…
Như vậy là bạn “thua” cô ấy rồi. Và đây là lỗi của bạn mà.

Hành động
Tự thay đổi mình, học hỏi những đức tính tốt đẹp, bù đắp cho mình những khiếm khuyết, năng nổ nhiệt tình trong công việc, tự tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ,… Sếp sẽ không thờ ơ trước những cố gắng của bạn đâu.
Hãy hành động lành mạnh, nghĩa là đừng có ý định tìm mọi cách hạ bệ cô đồng nghiệp để ngoi lên. Tuyệt đối đừng tỏ ý ghen tị, nói xấu, bôi nhọ cô ấy để đôn mình lên. Hành động ấy chỉ đem lại kết quả ngược mà thôi.

Theo Dantri