Bạn có từng bị sốc nơi công sở

Vào công ty với vị trí thư ký giám đốc, Hương – cô sinh viên mới ra trường hoàn toàn có thể vênh mặt được với bạn bè cùng lứa. Một bước lên xe hơi, tuần 3 buổi đi ăn nhà hàng, quần áo xịn, nước hoa hàng hiệu với mức chi phí cho trang phục 500 USD/năm.

Nhưng mọi việc không suôn sẻ như vậy. Mỗi vị trí như thế, không ít người khó chịu. Vậy là những tiếng đồn thổi về “con bé thích đánh đu, thích vượt cấp” bắt đầu lan ra và đến tai sếp. Một lần, sếp đưa Hương đi gặp một sếp cấp cao hơn tại tổng công ty.

Sếp to quý Hương ra mặt, và có ý nói Hương ở lại giúp ông chuẩn bị tài liệu cho một buổi tổng kết công ty. Hương vô cùng hứng khởi. Mặc cho việc ở nhà vẫn còn đầy, cô cứ cặm cụi ở lại văn phòng sếp lớn.

3 ngày sau, khi Hương trở về công ty, thì bàn làm việc của Hương đã có người ngồi thế. Hương gần như chết sững vì nhận ra đó là bài “đo lòng người” của sếp. Giá mà Hương đừng vì cảm giác hiếu thắng, muốn lấy lòng sếp to mà quên mất việc chính của mình.

Những ngày sau đó, cô thư ký đi làm rất èo uột ở vị trí văn thư. Vừa ấm ức, vừa ngượng với đồng nghiệp, cô trở nên ức chế. Những status liên tục thay đổi trên YM của Hương: “Đời bất công”, “Exhausted”, hay “Không còn ai để tin nữa sao?”… khiến hình ảnh của cô thư ký thông minh, trẻ trung trở nên đáng thương…

Tú – một nhân viên công ty phụ trách về mảng các tổ chức nước ngoài vừa bị “giáng chức” chỉ vì một lần làm cho một tổ chức quyết định đóng tài khoản đã mở ở công ty mình.

Tú ấm ức: “Mình phạm lỗi lần đầu. Cách xử lý của sếp như vậy mang tính trừng phạt quá nặng nề, không cho người ta có cơ hội ngóc đầu lên!”. Thế là Tú xin nghỉ việc ngay hôm sau.

“Được” cũng sốc

Ngày đi làm đầu tiên ở công ty mới, Nguyên như muốn khóc oà lên khi giám đốc định thay cô vào vị trí văn thư của cơ quan. Vị trí này vừa có người nghỉ sinh nở, mà Nguyên cũng… vừa có bầu! Nguyên – một cô sinh viên có bằng thạc sĩ tài chính ở Mỹ, thi tuyển vị trí chuyên viên quản lý xuất nhập khẩu ở một siêu tổng công ty.

Nguyên ấm ức: “Có bầu đi làm cảm giác bị mọi người coi như người thừa, như kẻ ăn bám. Nghĩ mà nhục quá!”. Nguyên bảo, nếu phân công như thế, cô nghỉ làm ở nhà!

Trường hợp của Mai Linh thì vừa đi du học về, bằng cấp đẹp, bố từng làm to, được bổ nhiệm ngay vào vị trí phó giám đốc chi nhánh phụ trách kinh doanh đối ngoại. Chưa kịp cân bằng với cuộc sống “nội địa”, Linh đầu bù tóc rối lao vào những đêm thức trắng để tìm tài liệu, lên file thuyết trình và các phương án để dự phòng cho các cuộc gặp đối tác.

Sau 1 tháng vào việc, cô gái 25 tuổi Mai Linh trở lên lầm lì, ít nói, mặt mũi lúc nào cũng căng thẳng và giật mình thon thót. Tuần trước, Linh phải đi gặp bác sĩ tâm lý, vì có cảm giác như lúc nào cũng có ai đó ghét và định hại mình… Có lần, đồng nghiệp trong phòng giật mình khi thấy cô ngồi ngủ gục ở góc cửa thông sang cầu thang bộ, khuôn mặt nhợt nhạt…

Đi tìm “lò xo” chống sốc

Một món đồ quý muốn nâng niu phải có tấm đỡ bằng mút, xốp hoặc một dụng cụ chịu đàn hồi để giảm mức độ va đập. Cũng tương tự như thế, một nhân viên trẻ phải cần một quãng thời gian, hoặc một độ chín nhất định nào đó đóng vai trò của chiếc “lò xo chống sốc”, giúp học có đủ bản lĩnh để đối mặt với những cú vấp nơi công sở.

Tất cả mọi phản ứng như đùng đùng nổi giận và bỏ việc, than thở, thu mình lại hoặc tỏ ra bất cần đều khiến hình ảnh của bạn mòn và cũ đi.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Kim Phượng (Trung tâm tư vấn Cộng đồng) cho biết: “Với một bộ phận những người trẻ mới vào môi trường công sở, việc họ bị đặt kỳ vọng quá cao, hoặc mắc lỗi bất ngờ bao giờ cũng gây cho họ những áp lực rất lớn, hơn hẳn những người đã có kinh nghiệm lâu năm. Những trường hợp có thần kinh thuộc dạng yếu, thì việc vượt qua không đơn giản. Đó cũng là mặt dở của chiến lược phát huy tự do nhân sự trẻ của nhiều công ty.

Tôi cho rằng, để áp dụng chiến lược đó, cần phải hiểu hơn tâm lý của những người trẻ. Đặt họ vào những vị trí cao đồng nghĩa với việc phải chăm sóc và định hướng chứ đừng buông rơi họ.

Hơn nữa, hãy hiểu áp lực nặng nề luôn khiến họ có những phản ứng tiêu cực khi mắc phải. Hậu quả là họ cảm thấy mình bị coi thường, bị xa lánh, thậm chí bị trừng phạt. Họ thường bỏ việc, hoặc rơi vào tình trạng cô đơn. Nặng hơn, sẽ dẫn tới trầm cảm”.

Vậy mới có câu chuyện về cậu giám đốc trẻ 28 tuổi có thói quen gọi điện thoại đêm với những cô nhân viên bán hàng để đề xuất hợp tác với công ty khiến cô gái cảm thấy phát điên vì bị quấy rối. Nếu hiểu hơn, sẽ thấy cậu ấy cô đơn ở cương vị mới đó biết bao nhiêu. Cậu viết trên blog của mình. “Không phải có vị trí là có tất cả.

Thực ra, thêm một vị trí là mất đi những người thực sự yêu mình. Thêm một vị trí là có cảm giác không muốn tin những người xung quanh, mà chỉ muốn chia sẻ với những người xa lạ, để họ không biết mình là ai, mình đang làm gì mà gây tổn hại cho mình…”.

Những tâm sự đơn độc và đau xót đó khiến người ta phải phải suy nghĩ. Chỉ mong rằng, những người bạn ấy thay vì than thở, phản ứng tiêu cực, sẽ tự đi tìm chiếc “lò xo chốc sốc” của mình. Chiếc lò xo ấy, không xa xôi mà nằm ở chính môi trường công sở, nơi bạn có thể san sẻ tâm sự, công việc và vấn đề của mình với sếp, với đồng nghiệp, chứ không phải chỉ nhìn vào nó và khủng khoảng với chính mình.

Theo 24h