Nếu
được hỏi điều gì đáng sợ nhất đối với một công dân văn phòng: phương án
A: chậm lương; phương án B: quỵt thưởng; phương án C: bình bầu thi đua.
Không được dùng quyền trợ giúp của người thân và cũng không được chọn
giải pháp 50/50. Câu trả lời sẽ là…
Chậm
lương và quỵt thưởng chắc chắn là điều đáng lo nhất rồi. Bằng chứng là
thời gian cuối năm vừa qua biết bao nhiêu công chức nhỏ bé và không nhỏ
bé trong biết bao nhiêu văn phòng từ Bắc chí Nam, kẻ rầu rĩ, người đăm
chiêu, người không kiềm chế được thì cáu bẳn, nghe đâu có anh còn đi
lang thang mấy ngày mấy đêm không dám bước chân về nhà. Nhưng điều đáng
sợ nhất, xin đảm bảo, đó là phương án C – bình bầu thi đua.
Cụm
từ này, mỗi công ty, mỗi cơ quan, văn phòng sẽ có các tên gọi khác
nhau: đánh giá hoạt động hàng năm, bình chọn chiến sĩ thi đua (vì mỗi
chúng ta là chiến sĩ và công sở là chiến trường!), tự đánh giá tự phê
bình v.v. và v.v. Dù dưới tên gọi nào, thì công việc cũng sẽ gói gọn
trong cái khung “dìm thằng nào, nhấc thằng nào”. Thật là đáng sợ!
Ở
công ty tôi, cuối năm là dịp để cho các bạn sales (phần lớn trong số
chúng tôi là sales) lao ra đường, gặp khách hàng, săn lùng đối tác…bằng
cách nào đó, rồi đêm đêm về viết báo cáo, kiểm tra số bán… bằng cách nào
đó, để đạt chỉ tiêu của quý 4 và của cả năm.
Cho nên việc bình bầu thi
đua sẽ không diễn ra cuối năm (vì đằng nào cũng có lương tháng 13, không
bao giờ bị chậm, cũng chẳng bao giờ bị quỵt), và công việc cực kỳ to
tát này sẽ được tiến hành vào đầu năm sau đó.
Thế là mới đầu năm, đám
nhân viên công sở chúng tôi tạm gác những ăn uống tiệc tùng, tạm bỏ qua
những tất bật chuẩn bị, tạm rời xa vui buồn của khách hàng (vì đầu năm
chẳng ai có thưởng để đi mua sắm), chúng tôi xắn tay, vắt óc, chấp bút
viết xuống những lời vàng ngọc để tự đánh giá bản thân.
Việc này vô cùng
quan trọng, vì những gì chúng tôi làm trong năm qua phải được ghi chép
lại, một cách rất tỉ mỉ và cụ thể, những thành quả chúng tôi đạt được,
những lời khen vàng ngọc từ các sếp chúng tôi nhận được, những bằng khen
cho các dự án chúng tôi được trao, đều phải được nhắc tới, và chắp
cánh.
Tuy nhiên đó vẫn chưa
phải là phần việc đáng sợ nhất. Thật là kinh khủng (xen lẫn vinh hạnh)
khi bạn nằm trong danh sách những người được đồng nghiệp chỉ định đánh
giá cho anh ấy/cô ấy. Tất nhiên là bạn và người đó phải có va chạm trong
công việc (va chạm theo ý tốt), nghĩa là phải trong cùng một nhóm (có
thể cùng là dân sales), hoặc tham gia chung trong một/một vài dự án
(đương nhiên dự án đó phải thành công) hoặc có mối quan hệ tốt bên ngoài
công việc (là bạn cơm trưa văn phòng chẳng hạn).
Chắc là không có ai
chọn một đồng nghiệp không hề có chút xíu dính líu nào đến mình để đánh
giá về mình (như thế khác gì hại mình hại người).
Vậy
là sau khi vắt hết cả óc để viết lời hay ý đẹp cho bản thân, những
người được đồng nghiệp tin tưởng tiếp tục nhả lời vàng ý ngọc đánh giá
cho anh/cô đồng nghiệp. Làm sao những người đánh giá nhớ được những
người được đánh giá đã làm những gì hay ho trong 365 ngày qua?
Làm sao
đưa ra những lời đánh giá khách quan nhất có thể mà không bị tình đồng
nghiệp chi phối? Làm sao nói hay cho mình đồng thời nói tốt cho họ để
tất cả đều được tăng lương? Cuối cùng sự lăn tăn cũng quay trở lại với
đồng lương. Ai mà chả biết quỹ lương thì có hạn, người này được tăng thì
kẻ khác có khi lại dậm chân tại chỗ.
Có người chủ quan suy nghĩ, đánh
giá và tung hê nhau chỉ là cách để mình nhìn lại bản thân và nhìn lại
người khác trong cả năm phấn đấu vừa qua. Còn mọi quyết định nằm trong
tay những người có quyền quyết định. Ai mà biết được. Vậy nên bình bầu
đánh giá thi đua mới là việc đáng sợ nhất.
Theo Sài Gòn tiếp thị