Tin tức - Sự kiện Dạy trẻ biết sống yêu thương!

Dạy trẻ biết sống yêu thương!

2

“Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải nuôi dạy con cái trở thành người con hiếu thảo, công dân tốt; sống có đạo lý và chấp hành tốt pháp luật, góp sức vào sự phát triển giàu mạnh của quê hương. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt” – đó là thông điệp của người phụ nữ nông thôn Hòa Vang (Đà Nẵng) gửi đến mọi người nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2001 – 28-6-2016)…

Chị Mạc Thị Nhi (thôn Hội Phước, xã Hòa Phú) tâm sự, năm 1987, chị lập gia đình với vốn liếng cha mẹ cho là 1 con bò nuôi đẻ. Hai vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm, đầu tắt mặt tối trên các mảng rừng keo lá tràm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Rồi 3 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống của gia đình ngày càng thêm khốn khó. Hai năm trúng mùa, một năm thất bát xem như thua lỗ nên  nghèo vẫn hoàn nghèo. Lúc đó, vợ chồng chị mới bàn nhau phải cho con cái học hành đàng hoàng, chỉ có tri thức mới tạo cuộc sống ổn định hơn. Con cái thấy cha mẹ cực khổ, tụi nó muốn xin nghỉ học để đỡ gánh nặng nhưng chị đâu có cho vì lo mai này đời tụi nó cũng cực khổ như mình. Dù ở đâu, làm gì thì tri thức vẫn quan trọng nhất, vì vậy, ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng chị đã truyền cho các con niềm say mê và ý thức tự giác học tập, kiên trì kèm cặp, uốn nắn để việc học hành của các con đi vào nền nếp. Chị Nhi nhớ lại: “Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu mình đã vượt qua giai đoạn đó như thế nào. Chỉ nhớ rằng khi đó, của cải trong nhà chỉ là hạt lúa, củ khoai, cho nên vợ chồng sẵn sàng làm thuê bất cứ việc gì để có tiền lo cho 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Cứ mỗi lần nhận được tin con sắp về nhà là vợ chồng sấp ngửa chạy vạy để cho con vài trăm ngàn đồng, 10kg gạo mang xuống trường”… Lo việc học hành cho con luôn là gánh nặng đối với những gia đình nghèo. Nhưng với tấm lòng của người cha, người mẹ lúc nào cũng mong muốn cho con mình học tốt và thành đạt, cho dù phải chịu nhiều vất vả mưu sinh.


“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 2016 ở xã Hòa Phước.

Đối với bà Nguyễn Thị Toàn (thôn 5, xã Hòa Khương), năm 1995 là năm mở đầu cho mừng vui và bao lo toan khi người con trai thứ thi đỗ đại học, nỗi lo bức thiết về tài chính đã khiến vợ chồng bà quyết tâm lấy giọt mồ hôi, sức lao động để đáp ứng cho con ăn học. Sáng, chiều miệt mài trên biền, dưới ruộng, tận dụng từng mét đất bỏ hoang kết hợp với chăn nuôi, nhưng chừng đó vẫn chưa trang trải đủ nên gia đình hết sức tiết kiệm, tằn tiện trong bữa ăn để dành dụm chi phí cho con. Rồi đến các đứa kế cận cũng lần lượt bước vào giảng đường. Mọi vất vả vợ chồng bà gồng gánh, lo toan kéo dài cho đến năm 2012 khi người con út ra trường… Theo bà, tài sản lớn nhất của gia đình là con cái, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của gia đình ở nơi các con. Được hy sinh cho con ăn học thành người mới là điều quý giá, cho dù, trên lưng người mẹ vẫn gùi cả gánh nặng cuộc đời, đôi tay người cha mãi sần lên những vết sạn chai. Hàng chục năm qua, miệt mài “một nắng, hai sương” để kết nối những nấc thang cho con vững bước trên đường sự nghiệp, đến nay vợ chồng bà đã đạt được ước nguyện lớn nhất của đời người… Cũng như chị Nhi, bà Toàn, còn biết bao bà mẹ khác đã không quản ngại sớm hôm tần tảo và đầy nghị lực vượt qua bao cơn sóng gió cuộc đời để nuôi dạy con cái ăn học thành tài.

Gia đình là tế bào của xã hội. Trong đó, người phụ nữ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng gia đình hoàn thiện với những giá trị đích thực của nó. Chức năng làm mẹ, làm vợ, nuôi dạy, giáo dục con cái thành đạt… đã buộc gia đình, cộng đồng phải nhìn nhận đúng mức vị trí của người phụ nữ. Bên cạnh đó, cuộc sống xã hội ngày một thay đổi, những người làm mẹ cũng rất cần sự tinh tế và nhạy bén để nắm bắt tâm lý và đòi hỏi của các con để có cách giáo dục phù hợp. Điều này ngỡ rất xa lạ với những người mẹ nông thôn nhưng khi nghe bà Đặng Thị Phong (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong) bộc bạch, chúng tôi đã thực sự cảm phục: “Xã hội ngày một phát triển đi lên, vì vậy những nhu cầu và đòi hỏi của thế hệ trẻ cũng khác. Điều này buộc mỗi người làm cha, làm mẹ phải có cái nhìn thực tế hơn để từ đó có thể chọn cho mình, cho gia đình mình một giải pháp, một lối sống phù hợp và dạy con cái nền nếp, tu chí, phấn đấu, chứ không thể nhất nhất với quan niệm xưa cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy nữa”…

Với ý thức, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng thể chất, tâm hồn, hình thành nhân cách của con người, nên việc chăm lo con cái thành đạt là trách nhiệm của gia đình, cha mẹ. Bởi vậy, cha mẹ luôn là tấm gương sáng cho con cái noi theo. Mỗi người con đều được thấm nhuần bài học làm người từ chính mái ấm gia đình để sau này trở thành những người cha, người mẹ họ lại giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình. Đằng sau sự thành đạt, thành danh của những người con là bao nhọc nhằn, cơ cực “lặn lội thân cò” lặng lẽ hy sinh của bao người mẹ, người cha. Và, chúng ta có thể khẳng định rằng, ánh hào quang của những người con hôm nay là được nhen nhóm từ “lửa” yêu thương của tổ ấm gia đình, trong đó không thể thiếu vai trò của người mẹ… “Người xưa có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đây cũng chính là lời nhắc nhở sâu sắc để mỗi chị em phụ nữ cần phát huy thiên chức của mình trong gìn giữ mái ấm gia đình. Hơn lúc nào hết mọi thành viên của các gia đình, trong đó mỗi người phụ nữ, người thắp lửa cho gia đình cần quan tâm chăm lo nhiều hơn cho gia đình của mình xây dựng mỗi tế bào lành mạnh thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội”, chị Lê Thị Phượng – Chủ tịch Hội LHPN H. Hòa Vang cho biết thêm.

Theo Công an Thành phố Đà Nẵng