Văn bản Kế hoạch Tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự,...

Kế hoạch Tổ chức phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020

51
Thực hiện Kế hoạch phát động “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 539/QĐ-UBATGTQG ngày 7 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020, nội dung cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

– Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông cho toàn thể cán bộ, viên chức, phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên trong việc tự giác tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông.

– Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong công tác tuyên truyền, phổ biền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông; nâng cao nhận thức, ý thức và thái độ khi tham gia giao thông trong học sinh, sinh viên, nhằm hạn chế học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu vi phạm an toàn giao thông, tai nạn, ùn tắc giao thông trong phạm vi cả nước.

Ảnh minh họa 

2. Yêu cầu

– Thi đua thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải được phát động với những nội dung thiết thực, cụ thể phù hợp với tình hình đặc điểm của từng nhà trường; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông sâu rộng đến từng cán bộ, viên chức, phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên.

– Nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả trong công tác phối hợp giữa nhà trường với các ban ngành, đoàn thể của địa phương trong triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng “Văn hóa giao thông”.

– Kịp thời biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nhắc nhở, giáo dục kịp thời những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

II. Chỉ tiêu, nội dung phong trào thi đua

1. Chỉ tiêu

– 100% cán bộ, viên chức và nhân viên trong nhà trường được phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; ký cam kết với nhà trường trong việc nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

– 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện tham gia giao thông.

– 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện tham gia giao thông.

– 100% cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên nghiêm túc thực quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia; thực hiện mặc áo phao khi đi đò.

– 100% nhà trường phổ biến, giáo dục “Văn hóa giao thông” cho học sinh, sinh viên theo tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL ngày 9/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

– 100% nhà trường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn xây dựng cổng trường an toàn, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

2. Nội dung thi đua

– Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết của Liên hiệp quốc về “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ” giai đoạn 2011-2020.

– Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về giáo dục an toàn giao thông trong trường học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong các dịp cao điểm hàng năm.

– Tích cực hưởng ứng các cuộc thi, các phong trào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

– Cung cấp cho học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, biết cách ứng phó với các tình huống, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông theo các cấp học, độ tuổi; hình thành thế hệ trẻ tham gia giao thông có “văn hóa”.

– Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi, cấp học nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

– Phối hợp với các ban, ngành có liên quan của địa phương triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để phòng, chống ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

III. Tổ chức thực hiện

1. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

– Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, các nhà trường triển khai thực hiện phong trào thi đua.

– Tiếp nhận và rà soát, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thương thưởng các các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào, trình Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khen thưởng theo quy định.

2. Đối với các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp

– Xây dựng, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020. Thực hiện phong trào thi đua, xác định cụ thể những nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế ở mỗi nhà trường. Báo cáo tình hình về kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên trước ngày 27/02/2016.

– Thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; tuyên truyền, tạo sự lan tỏa của các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt làm nòng cốt cho phong trào thi đua.

– Tổ chức tổng kết và bình xét khen thưởng.

– Tổng hợp kết quả, gửi báo cáo tổng kết phong trào và hồ sơ đề nghị khen thưởng về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên trước ngày 05/11/2020.

– Tăng cường kiểm tra, đánh giá, đôn đốc thực hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nội dung chi tiết xem tại đây: tt1134_19_KH_BGDDT.rar

Theo Bộ Giáo Dục và Đào tạo