Không chỉ quẩn quanh yêu nước, biển đảo
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), cho rằng nhìn chung, đề thi môn văn trong vài năm trở lại đây đã cải thiện hơn nhiều so với những năm học trước. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải là có những dạng đề giúp học sinh thoát hẳn cách học tủ, học thuộc văn. Từ thực tế giảng dạy, có những em học THPT nhưng một số vấn đề văn cơ bản ở bậc THCS không nắm được. Phần nghị luận văn học cũng nên ra thế nào để các em không phải học thuộc lòng theo kiểu tác giả, tác phẩm và giai đoạn văn học nữa. Thầy Đức Anh cho rằng qua các lần chấm thi, ở phần nghị luận, học sinh hiểu bài nhưng trả lời rất ngô nghê, mang tính chất là văn nhưng có nhiều học sinh trả lời cộc lốc như một kiểu đánh trắc nghiệm.Khi gặp những câu trả lời như thế, giáo viên rất ức chế. Vì thế, đề thi cũng nên yêu cầu học sinh phải viết thành câu hoàn chỉnh, trả lời phải có chủ ngữ, vị ngữ bởi vì chúng ta học văn nhưng còn phải hành văn nữa.
Trong khi đó, cô Huỳnh Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM), cho rằng đề thi của năm học trước đã thể hiện được sự đổi mới như bớt kiến thức hàn lâm, thiên về kỹ năng, vận dụng thực tiễn cho học trò, thể hiện được yêu cầu phân loại học sinh, tránh học vẹt. “Nhưng điều gì cũng có 2 mặt của nó, ở phần nghị luận xã hội, những vấn đề liên quan đến kiến thức xã hội yêu cầu học sinh phải có kỹ năng tìm hiểu, trải nghiệm. Nhưng học sinh hiện nay vẫn còn chịu quá tải trong việc học, ít kỹ năng thực tế, vì thế không ít em lúng túng khi gặp những dạng đề này” – cô Lan nói.
Giải quyết đề toán bằng thực tiễn
Giáo viên một trường THPT tại quận 5, TP HCM cho rằng ông cảm thấy lo ngại vì lâu nay dư luận mới chỉ để ý đến việc đổi mới môn văn như thế nào mà bỏ qua môn toán. Bởi lẽ, theo dõi các đề thi những năm gần đây, nếu chúng ta không đổi mới mạnh mẽ ở khâu ra đề thì môn toán vẫn mãi chìm trong toán hàn lâm, học sinh giỏi toán cũng chỉ có thể trở thành những nhà sư phạm toán, chứ không thể vận dụng trong thực tế được.
Thầy Nguyễn Anh Hoàng – giáo viên môn toán Trường THCS Nguyễn Du, Tổ trưởng chuyên môn toán Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 – cho biết giáo viên rất kỳ vọng vào đề thi toán năm nay nếu thực sự đổi mới theo hướng sẽ có những câu hỏi gắn với các vấn đề của thực tiễn; học sinh sẽ dùng kiến thức môn học để giải quyết.
Thầy Hoàng cho rằng chỉ khi có những đề thi đổi mới, gắn với thực tiễn thì mới vực dậy môn toán, khơi gợi hứng thú với môn học này ở cả người dạy và người học. “Lâu nay, học sinh học toán vẫn máy móc, theo hướng áp dụng công thức nên đề thi chỉ cần hơi biến đổi một chút đã không quen và không làm được bài. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp THCS vừa qua, có bài toán chỉ cần trình độ học sinh lớp 4 đã giải được nhưng nhiều em đi thi học sinh giỏi lại không làm được. Lý do là vì các em làm quen với thực tế rất ít” – thầy Hoàng nói.
Thầy Hoàng cũng lưu ý: “Ở đề thi môn toán của năm học trước vẫn chưa có những bài toán gắn với thực tế. Năm nay, học sinh nên đọc kỹ đề bài, những con số, điều kiện có thể biến chuyển nhưng làm sao để đưa về dạng công thức quen.
Muốn làm được điều này, học sinh cần phải nắm vững phương pháp, chú ý đến các bài toán về lãi suất, thiết lập công thức. Điều quan trọng là phải hiểu vấn đề và có tư duy linh hoạt”.
Theo Người Lao Động