Marketing Toàn cầu hóa ở “sân nhà”

Toàn cầu hóa ở “sân nhà”

17
Với hơn 10 năm mở cửa và 4 năm gia nhập WTO, toàn cầu hóa là vấn đề không còn xa lạ với DN Việt Nam. Sự hiện diện và phát triển của các đối thủ cạnh tranh, những tên tuổi lớn như Coca – Cola, Pepsi, Unilever, P&G, Nestle… tại thị trường Việt Nam chính là minh chứng rõ ràng cho vấn đề toàn cầu hóa đối với các DN trong nước.
DN không thể đứng ngoài và buộc phải tham gia vào cuộc chơi toàn cầu ngay tại đất nước mình. Dù không có những thương hiệu nội địa có thể đối đầu trực tiếp với những tên tuổi lớn này, nhưng DN Việt Nam cũng đã tìm được những khoảng trống để cạnh tranh và phát triển, thậm chí đã có những DN nói về mục tiêu “nhóm dẫn đầu khu vực”.
Nói về “cuộc chơi” không cân sức này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk cho rằng: “Các tập đoàn đa quốc gia đều là những tập đoàn hùng mạnh, không chỉ về tài chính mà còn cả khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản trị…
Tuy nhiên, các DN đều có các điểm mạnh và điểm yếu, chúng ta cần phát huy điểm mạnh của mình và tấn công vào điểm yếu của các đối thủ cạnh tranh để có thể tồn tại và đi đến thành công”.
Theo kinh nghiệm của mình, ông Khánh đúc kết lại rằng, muốn cạnh tranh tốt với đối thủ nước ngoài, phải thiết lập chiến lược phù hợp, xây dựng nguồn lực nhân sự tốt, đồng tâm hiệp lực và thực hiện đúng các chiến lược đề ra.
Sau khi tham gia khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo cấp cao tại Mỹ do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) tổ chức, ông Dương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Austdoor nghiệm ra rằng:
“Tuy môi trường kinh doanh toàn cầu tạo cơ hội cho mọi người nhưng cũng là môi trường đầy thách thức, đòi hỏi người lãnh đạo phải có năng lực tư duy toàn cầu, năng lực lãnh đạo toàn cầu và có đủ bản lĩnh để dẫn dắt DN vượt qua những thách thức toàn cầu”.
Người lãnh đạo phải ý thức được tình trạng công ty mình như thế nào, đứng ở đâu trên bản đồ kinh doanh; phải kết nối các nguồn lực đồng thời phải biết hoạch định chiến lược và triển khai hiệu quả. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện được không phải là điều dễ dàng.
Ông Tuấn cho rằng, một nhà lãnh đạo giỏi không nhất thiết phải hội đủ các năng lực trên mà chỉ cần có và giỏi ở một trong những năng lực đó, phần còn lại phải biết sử dụng từ những nguồn lực sẵn có trong tổ chức là đã thành công.
Thực hiện mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu châu Á, ông Tuấn đã hoạch định một chiến lược chắc chắn theo trình tự: Làm tốt tại địa phương – tiến ra khu vực – mở rộng hoạt động ra thế giới và cuối cùng là đi tới một tổ chức có phạm vi hoạt động toàn cầu.
Theo GS. Stuart của Đại học MIT Sloan School of Management Sensemaking (Mỹ), người lãnh đạo giỏi không phải là người hoàn hảo mà là người biết khai thác và tìm kiếm người có năng lực để bù đắp những điểm yếu của mình.
Ba điều doanh nhân Việt Nam cần có để tư duy chiến lược. Thứ nhất, phải đọc và phân tích số liệu giỏi. Thứ hai là có ý tưởng phản biện về các vấn đề xã hội, chính sách nhà nước. Thứ ba là phải nhìn xa đến sứ mạng của mình trong tương lai.
Ông Phan Văn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô miền Bắc ví việc quản trị DN giống như người luyện võ và những bài quyền cơ bản nhất lại là yếu tố quyết định sự thành bại của các đấu thủ cấp cao. “Hãy nắm thật chắc những cái cốt lõi nhất, cơ bản nhất và vận dụng nó linh hoạt.
Và tất cả phải nói cùng một thứ “ngôn ngữ”, phải nhìn về cùng một hướng và hỗ trợ lẫn nhau”, ông Minh chia sẻ. Không chỉ thế, các doanh nhân không chỉ nắm rõ vai trò của mình mà còn phải hiểu rõ vai trò của đồng nghiệp để “hợp xướng” cho nhịp nhàng.
Tại Việt Nam, hầu hết các DN thường “đi tắt đón đầu”, bỏ qua những bước cơ bản nhất trong quy trình hoạt động và quản trị DN để “tiến thẳng vào vòng trong”. Nhưng trên thực tế, thành bại của một công ty phụ thuộc rất nhiều vào việc cải tiến quy trình hoạt động.

Theo Hồng Nga