Sự kiện hai DN Việt được Cục Quản lí cạnh tranh – Bộ Công Thương chấp nhận đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu đã tạo ra tiền lệ. Trao đổi với DĐDN, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng từ câu chuyện này đã khẳng định: DN Việt hoàn toàn chủ động và đủ lực.
Ảnh minh họa
Ông Phong khăng định, việc Việt Nam lần đầu tiên áp thuế chống bán phá giá với hàng nhập khẩu là một trong những tín hiệu tích cực cho thấy chúng ta đã chủ động sử dụng công cụ phòng vệ được thỏa thuận trong các cam kết hội nhập quốc tế. Không những vậy, đây còn là đột phá trong nhận thức của DN, bởi không chỉ chủ động trong vụ kiện, chính DN đã tích cực và sáng suốt trong việc tìm kiếm thông tin để chứng minh. Động thái này của Bộ Công Thương cũng được xem là tín hiệu tích cực trước ngưỡng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015.
– Như ông nhận định, việc áp thuế chống bán phá giá là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại là người tiêu dùng trong nước sẽ bị thiệt vì “độc quyền”?
Đây là biện pháp tự vệ thông thường, phản ứng có lợi cho thị trường, cho ngành, cho nền kinh tế và phù hợp chuẩn mực quốc tế. Khi họ hạ giá bán thấp kỉ lục nhằm “giết” DN sản xuất trong nước, các DN Việt Nam có quyền yêu cầu, kiến nghị bởi mức giá đó thì không thể đảm bảo hòa vốn, kể cả trong trường hợp DN đó có lợi thế kinh tế do sản xuất quy mô lớn. Đây là biện pháp hoàn toàn bình thường để DN Việt tự bảo vệ mình, tránh bị DN ngoại “chơi xấu”.
Hơn nữa, về nguyên tắc, bất cứ việc áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng nào, đều khiến cho giá mặt hàng không lùi hơn được. Như vậy, tất cả các DN đều không giảm giá. Chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá không thể thấp được. Nhưng xét ở mức độ dài hạn, tổng thể ở trong nước thì nó sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng và việc làm, thu nhập của người lao động, đảm bảo sản xuất của DN trong nước. Từ đó, DN từng bước tăng hiệu quả kinh tế và giúp giảm giá thành sản phẩm xuống. Còn nếu, các mặt hàng nhập khẩu tràn lan thì chúng ta sẽ mất đi nhiều ngành sản xuất. Lúc đó, sự độc quyền thuộc về các DN nước ngoài, khiến giá mặt hàng còn cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, chưa có bằng chứng nào chứng minh nếu không có hàng nhập khẩu người tiêu dùng sẽ bị thiệt.
– Như ông nói, đây là bài học lớn không chỉ của DN ngành thép. Vậy theo ông thì điều gì cần lưu ý với các DN ở các mặt hàng khác khi sử dụng công cụ này?
Các nước khác trong khối ASEAN đã xây hàng rào kỹ thuật về chất lượng. Họ đã khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp (AD/CVD) hàng xuất khẩu của các nước khác, trong đó có Việt Nam nhằm bảo vệ DN nội địa. Muốn kiện mặt hàng của nước khác gây ảnh hưởng đến hàng sản xuất trong nước phải có thông tin về mặt hàng đó ở nước họ, thông tin đó phải đủ điều kiện chứng minh có dấu hiệu AD/CVD thì mới khởi kiện được. Hiện nay Việt Nam mới chỉ tạo được hàng rào về thủ tục hành chính và không hề hiệu quả. Muốn bảo vệ người tiêu dùng và các mặt hàng sản xuất trong nước, cách tốt nhất là xây dựng hàng rào kỹ thuật về chất lượng.
Việc áp dụng các công cụ phòng vệ được các nước sử dụng rất phổ biến nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là khi thực hiện việc áp thuế chống bán phá giá với nước ngoài thì DN Việt Nam cũng cần phải đảm bảo các điều kiện và minh bạch giá cả, nếu không sẽ bị các DN nước ngoài kiện lại.
Chính vì vậy, không chỉ có các DN, ngay cả các cơ quan chức năng cũng cần trau dồi công nghệ, năng lực thẩm định tạo cơ chế, hành lang pháp lý để… cạnh tranh toàn cầu. Đơn cử, cần áp giá tương đương của DN Việt Nam và các DN phải được chuẩn bị chu đáo, tránh trường hợp có DN nào đó ở Việt Nam có mức giá thấp hơn so với mức giá của DN nước ngoài bị áp thuế phá giá. Bởi nếu, áp thuế không đồng đều giữa DN trong nước và các DN nước ngoài thì sẽ bị kiện ngược lại và bị coi là phân biệt đối xử. Nói chung, động thái này là rất tốt để chống các mặt hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là hàng giá rẻ tại thị trường Việt Nam.
– Ông đánh giá về khả năng của các DN Việt Nam trong các vụ kiện về chống phá giá?
Việc điều tra chống bán phá giá phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị chủ động phát đơn kiện. Các DN trong nước chủ động kiện mà không chứng minh được thì sẽ bị bác đơn. Muốn chứng minh được thì phải cử đoàn, tham quan, khảo sát, lấy số liệu về tính toán, chứng minh có biểu hiện phá giá, giống như một số nước đã làm với Việt Nam. Đó đều là các hoạt động khá tốn kém và còn phụ thuộc vào sự hợp tác của bên bị đơn cùng việc tranh, tụng tại tòa đến đâu. Rõ ràng nếu các hành động tự vệ này không làm đến cùng thì sẽ vừa tốn tiền, mất uy tín.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nó không dễ như các nước áp thuế phá giá cho mặt hàng sản xuất của Việt Nam vào nước họ.
– Nhưng thép vốn là mặt hàng đòi hỏi DN phải có nguồn vốn cụ thể. Đối với các mặt hàng khác như nông sản chẳng hạn những DN siêu nhỏ như vậy khó có thể tham gia các vụ kiện về giá?
Đúng vậy. Đây cũng là trăn trở không chỉ của người dân. Hiện nay các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang bị mất nhiều thị phần ngay tại sân nhà. Các loại hoa quả xuất xứ từ các nước lân cận vào Việt Nam với giá cực rẻ. Và, người sản xuất còn khá đơn độc trong việc tự vệ chính đáng để bảo vệ sản phẩm do mình sản xuất ra. Đó chính là điểm yếu rất lớn của nông dân, các DN nông sản nói chung.
Chính vì thế, các hiệp hội nói chung như hiệp hội xuất khẩu, các hiệp hội nông sản phải thay mặt người nông dân, người sản xuất để thực hiện việc chống bán phá giá. Đặc biệt trong thời gian tới, các hiệp hội cần tăng cường hơn nữa vai trò bảo vệ quyền lợi của các DN trong nước.
– Ông đánh giá ra sao về các điều kiện của VN khi xem xét áp thuế chống phá giá với mặt hàng nhập khẩu?
Hiện nay, Việt Nam đang có bốn điều kiện để xem xét điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá với các mặt hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, chỉ cần các mặt hàng nhập khẩu có biểu hiện phá giá, bán dưới giá thành sản xuất khiến các mặt hàng cùng chủng loại trong nước không thể cạnh tranh được là tự nó sẽ kéo theo hệ quả tiếp theo như ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội của Việt Nam, làm giảm công ăn việc làm, giảm thu nhập, năng lực sản xuất bị kém đi. Chỉ cần chứng minh có phá giá là đã đủ.
– Xin cảm ơn ông!
Theo dddn