Hôm nay, 10/10 Hội thảo “Phát triển vốn nhân lực ngành Ngân hàng Tài chính” do Viện nhân lực ngân hàng Tài chính, Trung tâm nhân lực quốc tế Đại học Quốc Gia Hà Nội và Câu lạc bộ nguồn nhân lực (MFI) phối hợp tổ chức đã được diễn ra tại khách sạn Intercontinental Hà Nội.
Buổi hội thảo đã thu hút được nhiều nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia ngân hàng, chuyên gia đào tạo và các tổ chức quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực cho ngành Tài chính-Ngân hàng tham dự. Nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đã được đưa ra bàn bạc và thảo luận trong chương trình này.
Thực trạng nguồn nhân lực ngành Tài chính-ngân hàng Việt Nam
Theo Thạc sỹ Trần Hữu Thắng-Phó vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ, ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nhân lực ngành Ngân hàng hiện nay tương đối trẻ. Tổng số nhân lực trong ngành Ngân hàng tính đến cuối năm 2010 là 175.247 người. Trong số đó, lao động có độ tuổi 30 chiếm 60,11%; từ 30 đến 50 chiếm 35,05% và từ trên 50 tuổi chiếm 4,84%.
Về trình độ nhân lực, Thạc sỹ cho rằng: Hầu hết nhân lực làm việc trong ngành Ngân hàng đều có trình độ học vấn Tốt nghiệp phổ thông trung học (99,5%), còn lại bộ phận rất nhỏ làm việc ở bộ phận phục vụ ( lao công, làm công tác vệ sinh công sở) chưa học hết bậc học phổ thông trung học. Trong toàn ngành, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo chuyên môn chiếm 86,75% trong đó trình độ sau đại học là 5.433 người chiếm tỷ lệ 3,1%.; trình độ đại học là 114.006 người chiếm tỷ lệ 65,05%.
Đánh giá về năng lực quả kết quả công việc Thạc sỹ Trần Hữu Thắng cho biết tỷ lệ nhân lực được đánh giá ở cấp độ 4 ( năng lực tốt-có khả năng hỗ trợ cán bộ khác thực hiện công việc) chiếm 43,14%; cấp độ 3 ( đủ năng lực thực hiện công việc) chiếm đến 53, 25%.
Thạc sỹ cũng nhấn mạnh bên cạnh những mặt tích cực thì ngành nhân lực ngân hàng cũng còn nhiều hạn chế như chất lượng nhân lực ngành Ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành và nền kinh tế; tính chuyên nghiệp trong các vị trí công việc của nhiều ngân hàng chưa cao; các tổ chức tín dụng thiếu đội ngũ quản trị điều hành có trình độ chuyên môn…
Công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực Ngân hàng
Theo thống kê của Bộ giáo dục và đào tạo, cuối năm 2010 cả nước có 138 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành Tài chính-ngân hàng. So với thời điểm năm 2007, số cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng Tài chính-ngân hàng tăng 3,58 lần; quy mô đào tạo tăng 6,34 lần.
Bên cạnh các cơ sở đào tạo nằm trong hệ giáo dục quốc dân, còn có nhiều trường bồi dưỡng, trung tâm đào tạo của các ngân hàng. Theo thống kê, số lượng nhân lực ngân hàng được bồi dưỡng thông qua hệ thống trường bồi dưỡng, trung tâm đào tạo ngành Ngân hàng trên 35 nghìn lượt người/năm.
Buổi hội thảo cũng đã đề cập khá nhiều đến việc đào tạo và tuyển dụng sinh viên mới ra trường làm việc tại các ngân hàng và tổ chức tài chính. Tập đoàn Hay Group đã tiến hành một cuộc khảo sát thông qua việc đặt câu hỏi cho các nhà tuyển dụng đến từ nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính khác nhau về việc họ mong muốn tuyển dụng sinh viên của trường đại học nào nhất. Kết quả cho thấy đứng đầu danh sách này là Đại học kinh tế Quốc Dân và Đại học Kinh tế TP.HCM. Đứng ở vị trị thứ hai là Học viện ngân hàng và Đại học Ngân hàng TP.HCM. Đại học Ngoại thương đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hàng này. Tiếp theo là Học viện Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM.
Học viện ngân hàng-một trong những trường được các nhà tuyển dụng ưa thích
Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của HayGroup trong khi các trường đại học khá tự tin với kiến thức và kĩ năng của các sinh viên sau khi tốt nghiệp thì ngân hàng và các tổ chức tài chính lại đưa ra ý kiến là hầu hết sinh viên ra trường thiếu kĩ năng và kiến thức cần thiết, họ gần như phải đào tạo lại từ đầu khi tuyển dụng đối tượng này.
Vấn đề này cũng được Thạc sỹ Trần Hữu Thắng nhắc đến trong bài tham luận của mình. Theo ông, một trong những vấn đề còn tồn tại của ngành Nhân lực Ngân hàng là chất lượng và hiệu quả đào tạo còn thấp so với yêu cầu của Ngành. Sinh viên ra trường chưa đủ trình độ chuyên môn; thiếu kiến thức bổ trợ như tin học, ngoại ngữ, thiếu kĩ năng xử lý công chúng; giáo dục đạo đức nghề nghiệp chưa được chú trọng; do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc và phải mất nhiều thời gian đào tạo lại. So với kết quả đào tạo cùng trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực thì còn thấp.
Sẽ tuyển thêm nhiều nhân lực mới từ nguồn học sinh, sinh viên các trường
Một trong những định hướng cụ thể về đào tạo và bồi dưỡng, phát triển nhân lực ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2020 được Ngân hàng nhà nước đưa ra là sẽ tuyển thêm nhiều nhân lực mới từ nguồn học sinh, sinh viên các trường. Giai đoạn 2011-2015 bình quân tuyển mới hàng năm khoảng 12.500 người, trong đó đại học và cao đẳng khoảng 10.500 người. Giai đoạn 2016-2020 bình quân tuyển mới hàng năm khoảng 12.000 người trong đó đại học và cao đẳng khoảng 10.000 người.
Theo: NDHMoney