Không nên tin vào sự may mắn. Sự nghiệp của bạn phụ thuộc ở chính bạn. Hãy tham khảo 7 nguyên tắc sau đây để bạn luôn thăng tiến trong công việc
1. Không ngừng trau dồi tri thức, kỹ năng
Điều này phải luôn thường trực trong suy nghĩ của bạn. Để được sếp chú ý và cất nhắc lên vị trí cao hơn, bạn cần phải cho sếp thấy kĩ năng nổi bật, kiến thức, sức mạnh và thể hiện vai trò không thể thiếu của bạn trong công ty. Để được như vậy, bạn phải không ngừng học hỏi. Hơn bao giờ hết, kiến thức ngày càng đóng một vai trò quyết định đến sự thành công trong kinh doanh… Bạn càng hiểu biết nhiều, thì càng có thể chuẩn bị tốt để nắm bắt các cơ hội. Một cách hay để thuyết phục mọi người là đề ra những ý tưởng mới và có tính ứng dụng cao trong hoạt động của công ty.
2. Cố gắng hết sức mình ngay bây giờ
Đây là điều quan trọng nhất. Hãy làm hết sức mình ngay từ giờ với những nhiệm vụ và dự án mà bạn đang làm hiện thời. Đừng ngủ quên trong chiến thắng hay sống trong ảo tưởng. Sẽ không ai nhớ đến trước đây bạn đã từng làm tốt như thế nào đặc biệt là sếp bạn. Cũng đừng mơ mộng quá nhiều về những dự án trong tương lai, bởi vì chúng ta chưa xảy ra. Hãy tập trung và làm tốt những nhiệm vụ của bạn trong hiện tại. Đó mới chính là những gì người khác đang đánh giá ở bạn. Không nên nghĩ là công việc này không xứng với tôi nên tôi không muốn làm, khi nào có công việc tốt hơn, tôi sẽ cố gắng hết mình. Nhưng sếp bạn sẽ nghĩ “Công việc chỉ có thế mà còn làm không xong, làm sao đảm đương nổi những trách nhiệm nặng nề khác?”.
Để luôn sẵn sàng năng lực cho công việc hiện tại bạn hãy mang theo 5 chữ E sau đến công sở mỗi ngày, đây chính là động lực cho những thành công mới: Early – đi làm sớm mỗi ngày, Enthusiastic – Nhiệt tình trong công việc, Efficient – làm việc với Hiệu suất cao nhất, Excellent – luôn cố gắng hoàn thành công việc với kết quả Xuất sắc và Easy – để mọi người luôn cảm thấy dễ chịu khi làm việc với bạn.
3. Mở rộng các mối quan hệ
Ngày nay, cơ hội nghề nghiệp tốt hơn nếu bạn có nhiều mối quan hệ tốt. Hãy thường xuyên chủ động tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên ngành bởi đây là cơ hội để bạn mở rộng các mối quan hệ, gặp gỡ thêm nhiều người. Có thể bạn sẽ cần đến sự hợp tác của họ trong tương lai cho dự án mới hay đơn giản họ sẽ là một người bạn, đem lại cho bạn một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, không chỉ chú trọng mở rộng thêm các mối quan hệ bên ngoài công ty, bạn đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc tham dự những buổi tụ tập của công ty như liên hoan hay tiệc nhân dịp nghỉ lễ. Hãy có mặt trong các buổi tụ họp của công ty bởi vì đây cũng chính là cơ hội để bạn giới thiệu bản thân và mở rộng mạng lưới quan hệ. Hãy dành thời gian để nói chuyện với mọi người trong các phòng ban khác nhau, thay vì chỉ nói chuyện với những đồng nghiệp thân thiết. Hãy tham gia nhiệt tình vào những hoạt động đặc biệt của công ty như gây quỹ từ thiện hay cuộc thi thể thao. Bên cạnh việc duy trì đạo đức nghề nghiệp mạnh mẽ, tham gia những hoạt động chung như thế này sẽ giúp bạn sớm được thăng chức.
4. Quan điểm sống tích cực
Những nhà lãnh đạo tài ba luôn có thái độ lạc quan trong bất kỳ tình huống xấu nào. Do đó, người quyết định sẽ không bao giờ ủng hộ bạn vào vị trí lãnh đạo, nếu biết bạn hay đau khổ, chán chường và tùy tiện. Bởi đơn giản rằng những yếu tố tiêu cực ấy không để bạn đi đúng hướng trong công việc.
5. Không được xem thường hình thức bên ngoài
Khi cơ may thăng chức đã đến, dáng vẻ bề ngoài càng trở nên quan trọng. Nếu bạn trông không được chuyên nghiệp, cấp trên sẽ lo ngại bạn được nhận chức mới với một hình thức không phù hợp. Nên cố gắng ăn vận chỉnh tề với tác phong đĩnh đạc hơn. Mọi người vẫn thường nói, những người ăn mặc chuyên nghiệp (mặc đẹp và cư xử lịch sự) có cơ hội làm sếp nhiều hơn. Không có lí do gì, bạn không ăn mặc đẹp để tạo ấn tượng tốt cho các sếp ngay từ cái nhìn đầu tiên, để họ chú ý hơn tới thành tích trong công việc của bạn.
6. Tìm một người cố vấn giỏi
Con đường sự nghiệp của bạn sẽ tránh được những lối đi vòng và những vấp ngã nếu như bạn tìm được cho mình một người cố vấn giỏi. Người cố vấn có thể chính là sếp của bạn hoặc là người đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm. Họ sẽ cho bạn nhiều lời khuyên hữu ích về đường hướng phát triển sự nghiệp hoặc giúp bạn làm tốt hơn công việc hiện tại dựa vào kiến thức và kinh nghiệm lâu năm của họ.
7. Chia sẻ kế hoạch phát triển sự nghiệp với người quản lý
Hãy luôn nhớ rằng bạn không thể thăng tiến, nếu sếp của bạn không hề hay biết mong muốn thăng tiến của bạn. Do đó, bạn hãy chia sẻ mong muốn phát triển nghề nghiệp với sếp của bạn. Họ là người làm việc trực tiếp với bạn, họ biết được điểm mạnh, điểm yếu của bạn nên có thể đưa ra lời khuyên hữu ích, những khóa huấn luyện phù hợp cho sự phát triển nghề nghiệp và mang đến cho bạn những cơ hội thăng tiến.
Theo DN