Ông Chung trở thành Chủ tịch Hyundai Motor vào năm 60 tuổi. Đó là năm 1998, giữa lúc khủng hoảng tài chính châu Á đang xảy ra, buộc Hyundai phải sa thải 25% số nhân viên. Năm 1998, Hyundai còn mua lại hãng xe Kia Motors. Đây cũng lại là một khó khăn khác cho ông Chung. Ông lại không có nhiều kinh nghiệm về sản xuất xe hơi. Trước đó, phần lớn công việc của ông là quản lý các phân nhánh của tập đoàn Hyundai, gồm một công ty thép, công ty sản xuất ống dẫn, công ty đóng tàu vận tải và quản lý dịch vụ kinh doanh của Hyundai Motor. Vì thế, khi ông nêu ra ý định biến Hyundai thành một trong năm hãng xe hàng đầu thế giới, một số người đã tỏ ra ái ngại cho ông.
Giống như nhiều công ty gia đình ở Hàn Quốc, cơ cấu tổ chức của Hyundai rất khó thay đổi. Các giám đốc hiếm khi hợp tác với nhau và thường làm việc độc lập. Nhưng ông Chung vẫn quyết tâm tiến hành cải cách. Ông nhanh chóng truyền đạt ý tưởng của mình cho nhân viên.
Sau nhiều năm quản lý dịch vụ hậu mãi, ông nhận ra chất lượng sản phẩm là vấn đề nan giải nhất của Hyundai. Ông thường nói: “Chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn đối với một công ty. Chúng ta phải cải thiện chất lượng sản phẩm bằng bất cứ giá nào”. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhanh chóng nhận ra điều này. Ngay cả đối với Suh Byung Kee, người chịu trách nhiệm cải tiến chất lượng của Hyundai, cũng thừa nhận: “Lần đầu tiên đến với Hyundai, tôi cũng không nghĩ rằng chất lượng của chiếc xe lại quan trọng đến như vậy”. Nhưng đối với Chủ tịch Chung, chất lượng của sản phẩm là ưu tiên số một.
Để dỡ bỏ ngăn cách giữa các bộ phận, ông Chung đã buộc các nhân viên thiết kế, kỹ sư và quản lý phân xưởng làm việc với nhau như một nhóm. Ông lập ra các ủy ban kiểm tra bản thiết kế các mẫu xe mới và loại bỏ những sai sót tiềm tàng. Một tháng hai lần, ông tập họp các giám đốc cấp cao của Hyundai và Kia tại bản doanh công ty ở Seoul để phân tích các vấn đề về chất lượng. Đồng thời, trong các cuộc họp thường lệ tại nhà máy, ông cũng khuyến khích công nhân đề xuất các biện pháp cải tiến chất lượng.
Đôi khi ông Chung đã phải trả giá đắt cho quan niệm về chất lượng của mình. Năm ngoái, ông đã phải hoãn kế hoạch tung ra chiếc Sonata đời mới tại Hàn Quốc trong hai tháng để các kỹ sư khắc phục 50 khuyết điểm nhỏ của chiếc xe. Còn năm 2003, ông đã yêu cầu Lee Hyun Soon, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của công ty, loại bỏ một tiếng ồn khó chịu khi tay người lái đè lên cần sang số trong bộ truyền lực của chiếc Kia Amanti. Khi Lee tỏ ý lo ngại về việc phải dừng tất cả quy trình sản xuất để giải quyết rắc rối trên, Chung đã bảo: “Tất cả vì chất lượng của xe”.
Đương nhiên, ông không chỉ quan tâm đến chất lượng. Ông còn tiến hành các biện pháp khác để cạnh tranh với người Nhật trong lĩnh vực công nghệ và thiết kế. Từ năm 1999, ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển của Hyundai đã tăng 110%, lên tới 1,6 tỉ Đô-la Mỹ năm nay. Hyundai đã đầu tư 200 triệu Đô-la Mỹ để xây thêm hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế tại California, Michigan và gần Frankfurt (Đức). Một cơ sở để chạy thử xe trị giá 60 triệu đô-la Mỹ cũng đã khai trương tại sa mạc Mojave, bang California vào tháng 1 vừa rồi.
Năm ngoái, tại Hàn Quốc, ông Chung đã cho mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu não, và xây thêm một trung tâm thiết kế với hệ thống trình chiếu ba chiều hiện đại. Tuy đạt được những thành công ấn tượng, hãng của ông chỉ là hãng sản xuất xe hơi lớn hàng thứ bảy thế giới, với lượng xe bán ra hàng năm 3,3 triệu chiếc. Nhưng hẳn cũng không ai có thể xem thường Hyundai. Ông Chung từng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ trở thành một đối thủ khó có thể bị đánh gục”.
Theo DN