1. Những mục tiêu không truyền cảm hứng
Hầu hết mọi người khi đặt mục tiêu thường mường tượng ra một “thứ” cụ thể, chẳng hạn như một số tiền nhất định, một đồ vật (xe hơi chẳng hạn), hoặc một thành tựu cụ thể nào đó (như viết một cuốn sách). Nhưng tiếc thay, thứ mục tiêu “tôi muốn sở hữu hoặc muốn làm” ấy lại không phải là động lực chính của bạn, bởi vì chúng thiếu đi những điểm quan trọng mà bạn đang tìm kiếm thực sự trong cuộc sống và công việc—những CẢM XÚC TÍCH CỰC mà bạn tin rằng chúng sẽ đem lại.
Biện pháp: Thay vì hình dung ra “một thứ” mục tiêu, bằng tất cả trí tưởng tượng phong phú của mình, hãy hình dung xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu đạt được mục tiêu. Bằng cách đó, bạn sẽ được truyền cảm hứng làm bất cứ điều gì để đạt được mục tiêu (tất nhiên là không vi phạm đạo đức hay pháp luật).
2. Sợ thất bại
Nếu sợ nếm mùi thất bại, bạn sẽ không chấp nhận những rủi ro cần thiết để đạt được mục tiêu. Ví dụ, bạn sẽ không gọi một cú điện thoại quan trọng, bởi vì bạn sợ bị khước từ. Hoặc bạn sẽ không dám từ bỏ công việc đang bế tắc của mình để bắt đầu sự nghiệp riêng, chỉ bởi bạn sợ rằng cuối cùng sẽ chẳng có xu nào dính túi.
Biện pháp: Ngay bây giờ, bạn hãy quyết định đi, cái thất bại ấy dành cho bạn cũng chỉ là một tình thế tạm thời. Nếu mọi thứ không như bạn muốn thì chúng cũng chỉ trì hoãn thành công sau này của bạn mà thôi. Nói cách khác, hãy chấp nhận sự thật rằng đôi khi bạn có thể thất bại, nhưng hãy coi nó như một điều không tránh khỏi trên con đường thành công của mình.
3. Sợ thành công
Theo nhiều cách, nỗi sợ này còn kinh khủng hơn nỗi sợ thất bại. Hãy tưởng tượng rằng bạn đạt được thứ gì đó lớn lao, như giàu nứt đố đổ vách chẳng hạn. Nếu nó không làm bạn hạnh phúc, thì sao? Nếu cuối cùng bạn trắng tay, thì sao? Bạn bè của bạn có bắt đầu cư xử lạ lùng với bạn không? Hay gia đình bạn sẽ bị ghen ghét đố kị? Những suy nghĩ phổ biến đó có thể tự hủy hoại cả những người hừng hực khí thế nhất.
Biện pháp: Quyết định xem điều gì sẽ làm bạn hạnh phúc và thoải mái nhất trong thời điểm hiện tại cũng như tương lai, dù cho điều gì xảy ra. Thay vì tập trung vào những vấn đề có thể xảy đến, hãy hình dung xem sẽ vời như thế nào nếu bạn có thể giúp bạn bè và gia đình mình đạt được mục tiêu của họ.
4. Một thời gian biểu không tưởng
Hầu hết mọi người đều đánh giá quá cao những gì họ có thể làm được trong một tuần và lại đánh giá quá thấp những gì họ làm được trong một năm. Bởi thế, hầu hết mọi người cố gắng nhồi nhét hàng đống việc vào một thời gian ngắn thay vì phân bố chúng trong thời gian dài. Bất lực với việc hoàn thành mọi bước đi ngắn hạn sẽ làm nản lòng mọi người và tạo ra suy nghĩ rằng mục tiêu cuối cùng thế là toi rồi.
Biện pháp: Khi bạn liệt kê các công việc và các bước để đạt được mục tiêu, hãy chỉ lên kế hoạch cho 20% công việc sẽ tạo ra 80% kết quả. Bên cạnh đó, hãy lập một kế hoạch dài hơi đầy tham vọng, nhưng luôn chuẩn bị sẵn một “phương án dự phòng” khi bạn đặt kế hoạch ngắn hạn.
5. Lo lắng việc “dậm chân tại chỗ”
Rất dễ bị nhụt chí khi bạn làm những thứ dường như chẳng giúp gì cho bạn để đạt được mục tiêu cả. Ví dụ, khi bạn đang cố gắng thuần thục một vài kỹ năng mềm. Bạn sẽ tiến bộ rất nhanh thời gian đầu, nhưng rồi sau một thời gian bạn không tiến bộ thêm nữa, hoặc có thể tụt lùi một chút. Một số người dùng việc “dậm chân tại chỗ” này như một lý do để từ bỏ và bởi vậy họ thất bại.
Biện pháp: Bất kể khi nào bạn dậm chân tại chỗ, đó là lúc phải vui mừng thay vì từ bỏ. Dậm chân tại chỗ là dấu hiệu bạn đang ở ranh giới của một bước đột phá lớn, nếu bạn luôn kiên nhẫn với nó và tin tưởng rằng cuối cùng bạn sẽ đạt được mục tiêu.
Theo Inc.com