“Vua nấm”… Bảy Yết
Đó là biệt danh mọi người đặt cho ông. Khởi nghiệp trồng nấm từ những năm 1980 với 2 loại nấm rơm và nấm mèo. Thời điểm này, việc trồng nấm và ăn nấm dường như là chuyện… “xa xỉ” đối với thị trường. Do đó, mô hình trồng nấm xuất khẩu của nông dân Bảy Yết phải… lận đận mất hơn 10 năm. “Nhiều lúc đêm nằm, tui phải gác tay lên trán tìm hướng làm ăn mới khi rơi vào cảnh phá sản” – ông nói.
Năm 1995, một thương gia Nhật Bản cung cấp cho ông giống nấm mới, Bảy Yết bắt đầu chuyển sang trồng nấm bào ngư và nấm linh chi, việc làm ăn cũng bắt đầu “phất” lên từ đây. Hiện tại diện tích trồng 2 loại nấm này của trang trại Bảy Yết đã là 5.000 m2 với gần 600.000 bịch nấm giống, tổng vốn đầu tư lên đến con số 2 tỷ đồng.
Bù lại, từ trang trại này trung bình mỗi tháng ông thu hoạch từ 1.000 – 5.000 kg nấm bào ngư, hầu hết để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ với giá 15.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng nấm linh chi, mỗi tháng cũng cho sản lượng từ 500 – 800 kg cung cấp cho thị trường nội địa và các cơ sở sản xuất dược liệu, với giá bán 200.000 đồng/kg.
Nông dân Bảy Yết cho biết, hiện tại sản phẩm làm ra không đủ cung ứng nhu cầu thị trường. Do đó ông đã xây dựng “vệ tinh” với 30 hộ trồng nấm tại huyện Cần Đước (Long An) và nhiều hộ nông dân khác ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… “Chưa dừng lại ở đây, trang trại chúng tôi cũng đang thực hiện xây dựng một làng nghề sản xuất nấm tại huyện Hóc Môn theo chủ trương chung của TPHCM trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.
Tậu nhà lầu, xe hơi, từ… hoa lan
Nói đến nông dân Trần Văn Bạch (Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), giới kinh doanh hoa lan và nông dân vùng ven ai cũng biết. Ông nổi tiếng không chỉ là người trồng lan giỏi mà còn được xếp vào hạng “nông dân hạng sang”: Ở biệt thự, đi xe hơi Toyota Camry đời mới…
“Tất cả là nhờ vào cây hoa lan đó!” – Nông dân Trần Văn Bạch nói. Khởi nghiệp trồng hoa từ năm 1996 với 2.000 cây lan giống các loại (denzo, hồ điệp, mocara, lenadegaul…). Mỗi ngày ông Bạch phải lao động cật lực từ 14 – 16 tiếng để nhổ cỏ, bón phân, tưới nước… Trời không phụ lòng người, kết quả cho thu nhập lãi ròng 5 triệu đồng/tháng.
Ông tiếp tục bỏ tiền ra đầu tư, dần dần vườn lan của ông tăng lên 3.000, 5.000… và đến nay là 10.000 gốc. Ông Bạch nói: “Điều đáng nói là tui không còn phải vất vả như trước mới khởi nghiệp. Bởi hiện tại việc chăm sóc vườn lan đã được máy móc thực hiện thay thế sức con người…”. Hiện tại với 10.000 gốc lan, 70% đang cho hoa, mỗi tháng nông dân Trần Văn Bạch cung cấp cho thị trường 6.000 cành, thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng/năm.
“Không ứng dụng KHKT thì nghèo suốt đời”
Mô hình kinh tế làm giàu từ hoa lan không chỉ dừng lại ở nông dân Trần Văn Bạch mà đã lan tỏa rộng trong người dân ngoại thành TPHCM. Những nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng hoa lan có thể kể đến như nông dân Nguyễn Tân Toại ở xã Tân Thạnh Tây (Củ Chi), Đặng Thị Diễm ở xã Tân Xuân (Hóc Môn)…
Theo Hội Nông dân TPHCM, những nông dân trở thành triệu phú là nhờ họ biết sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, chất lượng cao. Nông dân Trần Văn Bạch là trường hợp hiếm hoi, dám tự bỏ tiền túi lặn lội sang Trung Quốc, Thái Lan để học kinh nghiệm trồng hoa lan tiên tiến của thế giới. Kinh nghiệm nằm lòng của ông là “làm nông nghiệp mà không ứng dụng khoa học kỹ thuật thì chỉ có nghèo suốt đời!”.
“Vua nấm” Phan Văn Yết cũng là người đầu tiên của TPHCM ứng dụng thành công công nghệ sinh học vào sản xuất meo nấm. Điều này lý giải tại sao trang trại của ông luôn là điểm thu hút người dân và các đoàn khách trong nước đến tham quan, học tập. Về kinh nghiệm thương trường, nông dân Phan Văn Yết luôn tâm niệm: “Nhu cầu của thị trường là mệnh lệnh sản xuất. Thực hiện đúng nguyên tắc này thì khỏi phải lo không có đầu ra cho sản phẩm”.
Theo Người Lao Động