Không gì ngoài chất lượng

Hamdi Ulukaya là doanh nhân 40 tuổi vốn được mệnh danh là ông hoàng Chobani, hãng sữa chua nổi tiếng thế giới với trị giá hàng trăm triệu. Thành công của Chobani chỉ trong một thời gian ngắn được ví như sự thần kỳ, bởi lẽ một nhãn hiệu sữa chua theo kiểu Hy Lạp ít tên tuổi lại có thể tăng trưởng tới 200% mỗi năm và vươn lên hàng thứ 3 thế giới.

Chobani là hãng sữa chua theo phong cách Hy Lạp với ô liu, nho và các vị hoa quả thanh mát đã và đang gây sóng gió ở mọi thị trường bán lẻ từ châu Âu tới Mỹ, nhưng ít ai biết rằng nhà sáng lập đại tài của hãng này lại là một người Thổ Nhĩ Kỳ, sinh năm 1971.

Lập nghiệp… tình cờ
Vượt Đại Tây Dương, Ulukaya sang Mỹ năm 1994 và bắt đầu học tiếng Anh cũng như theo đuổi nghề kinh doanh một cách chính thức. Ông ghi danh vào các khóa học về kinh doanh tại trường Đại học Quốc gia New York nhưng cũng phải nghỉ giữa chừng. Khó khăn chồng chất lên đôi vai của chàng trai hơn 20 tuổi giữa nơi đất khách quê người. Nhưng rồi chính cha của Ulukaya đã ảnh hưởng tới cuộc đời ông một lần nữa, trong lần ghé thăm con trai, người cha già “quê mùa” đã cho ông lời khuyên: “Ở đây họ (người Mỹ) chẳng có pho mát ngon, con nên tự làm pho mát”. Ulukaya nhớ lại lúc đó ông đã phản ứng gay gắt rằng ông không đi quãng đường hàng chục ngàn cây số chỉ để làm pho mát. Nhưng rồi chính những lời nói tưởng như quê kệch đó lại là tiền đề để chàng trai trẻ Thổ Nhĩ Kỳ có niềm tin thành lập Euphrates năm 2002, công ty đầy tiên của ông chuyên sản xuất pho mát.
Ba năm sau, tưởng chừng việc điều hành một công ty pho mát nhỏ có thể giúp Ulukaya yên tâm để sống trên đất Mỹ thì ông nhận được một bức thư từ một người bạn báo rằng có một công ty đang rao bán nhà máy sản xuất sữa chua. Không suy nghĩ nhiều, ông nhấc điện thoại và gọi đến người bán, ở cách đó không quá xa, South Edmeston gần Utica. Tình cờ hơn, người bán nhà máy sản xuất đó lại là hãng thực phẩm Kraft (khi đó chưa nổi tiếng), họ quyết định ngừng nhánh sản xuất sữa chua vì thua lỗ. Những người quen của Ulukaya đều phản đối việc mua lại nhà máy này nhưng ông tin tưởng vào trực giác của riêng mình. Đầu tiên ông thuê lại chính những công nhân nhà máy bị đóng cửa, sửa sang lại nhà xưởng. Kế đến, ông đem về một chuyên gia về sản xuất sữa chua, cùng với người đó trong 1 năm rưỡi họ đã nghiên cứu và tạo ra sản phẩm đầu tiên ngon, chất lượng và khác biệt.

Chính thức ra mắt thị trường năm 2007, những sản phẩm mang thương hiệu Chobani gây ấn tượng mạnh bởi chất lượng và mùi vị mà những hãng khác không thể có. Ulukaya đề ra sologan cho sản phẩm của mình là “Nothing but Good” – tạm dịch: không gì khác ngoài chất lượng như để khẳng định cho chất lượng sản phẩm khác biệt của Chobani.

Từ 200 thùng hàng mẫu được gửi tới 3 cửa hàng bán lẻ ở Long Island, Chobani nhận được những phản hồi tích cực và ngày một nhiều các đơn đặt hàng. Những đồng doanh thu đầu tiên của Chobani không những bù đắp chi phí sản xuất mà còn giúp Giám đốc Ulukaya có thể nâng cấp dây chuyền máy móc. Kế hoạch mở rộng được triển khai thay vì chia lợi nhuận, ông còn tham vọng đưa Chobani trở thành nhà sản xuất sữa chua lớn nhất vùng Đông Bắc nước Mỹ. Với hơn 1.200 công nhân sản xuất, kế hoạch mở rộng quy mô của Chobani có giá trị 200 triệu USD, mỗi ngày hãng này sử dụng tới 1,2 triệu lít sữa.

Thành công nhờ làm khách hài lòng
Nhiều người tò mò rằng tại sao một người Thổ Nhĩ Kỳ lại làm ra sữa chua Hy Lạp mà không phải sữa chua kiểu riêng của đất nước ông. Ulukaya giải thích rằng việc được gọi là sữa chua Hy Lạp cũng là tình cờ, thực ra mọi người gọi loại sữa chua hoa quả này như vậy do Hy Lạp là nơi đầu tiên thử kết hợp hoa quả tươi vào sữa chua thôi. Thực tế các sản phẩm của Chobani mang phong vị rất riêng, mùi vị thanh mát và béo ngậy theo cách làm truyền thống từ Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, tên gọi đối với ông cũng chẳng quan trọng gì.

Gần đây, Chobani còn gây được tiếng vang lớn nhờ trở thành đại diện cung cấp thực phẩm dinh dưỡng chính thức cho Thế vận hội Olympic 2012 và Paralympic 2012 tại London. Hình ảnh những hộp sữa chua thơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng xuất hiện ở hầu hết kênh truyền hình chiếu về sự kiện thể thao lớn nhất thế giới như khẳng định niềm tin vào những cam kết của Chobani. Thành công mà Ulukaya có được đơn giản là do ông có niềm tin vào trực giác của nhà kinh doanh đại tài, không bao giờ hài lòng với những gì đang có. Lời khuyên mà vị vua sữa chua Hy Lạp này dành cho những người làm kinh doanh là:

Luôn làm việc trực tiếp với người tiêu dùng: Đừng bao giờ phó mặc theo kết quả nghiên cứu thị trường, hãy luôn sẵn sàng tiếp nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng.

Luôn làm hài lòng tất cả mọi người: Khách hàng quan trọng nhất nhưng những người khác như nhân viên, nhà cung cấp, nhà phân phối, nông dân… cũng phải được chú ý, đừng để các mối quan hệ này ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp.

Luôn tìm kiếm sự hoàn hảo: Phải mất tới 18 tháng mới có được sản phẩm đầu tiên, tốn kém nhưng đáng làm vì một sản phẩm hoàn hảo mới chinh phục khách hàng lâu dài, nhớ rằng sản xuất thứ mà người khác sẽ cần chứ không phải làm ra thứ mà họ đang cần.

Theo Đình Vũ