MISA vinh dự là đại diện Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tiên phong thúc đẩy ứng dụng chữ ký số tại Lào

Từ ngày 15-17/7/2025, MISA vinh dự là thành viên trong đoàn công tác của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tham gia chuyến công tác tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. 

Đoàn do bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC làm Trưởng đoàn, đã tham gia hai hoạt động trọng tâm là tổ chức Hội thảo đào tạo về chữ ký số & dịch vụ tin cậy, và cuộc họp song phương với Trung tâm Internet Quốc gia Lào (LANIC) nhằm thảo luận, định hướng hợp tác trong giai đoạn tới. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực xác thực điện tử, đặc biệt là mục tiêu chiến lược công nhận chéo chữ ký số.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo đào tạo được tổ chức vào sáng ngày 16/7/2025, ông Lê Quang Trưởng – Đại diện MISA đã trình bày tham luận với chủ đề: “Thực trạng thúc đẩy sử dụng chữ ký số trong hành chính, tài chính, kế toán và giao dịch điện tử tại Việt Nam”.

Media
Ông Lê Quang Trưởng – Đại diện MISA đã trình bày tham luận với chủ đề: “Thực trạng thúc đẩy sử dụng chữ ký số trong hành chính, tài chính, kế toán và giao dịch điện tử tại Việt Nam”.

Theo đó, ông nhấn mạnh vai trò tiên phong của MISA trong việc cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là dịch vụ chữ ký số đáp ứng tiêu chuẩn eIDAS của Châu Âu.“MISA luôn là đối tác đáng tin cậy trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức, hỗ trợ ứng dụng công nghệ chữ ký số để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả công việc”, ông cho biết . 

Hiện nay, MISA đang triển khai dịch vụ chữ ký số MISA eSign được tích hợp với các phần mềm trong hệ sinh thái của MISA và sẵn sàng tích hợp với các hệ thống phần mềm khác của doanh nghiệp. MISA eSign còn được kết nối với các hệ thống của cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng, sẵn sàng đồng hành cùng NEAC thực hiện mục tiêu phổ cập chữ ký số cho 70% người dân vào năm 2030.

Đối với các công tác hành chính, MISA triển khai chính sách cung cấp chữ ký số miễn phí cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ NEAC tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn công dân đăng ký và sử dụng chữ ký số trên Cổng Dịch vụ công. Từ đó, thúc đẩy kỹ năng số cho người dân theo tinh thần Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ.

Đối với công tác tài chính – kế toán, Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có chữ ký số hợp lệ của người bán khi phát hành. Đáp ứng quy định trên, MISA đã triển khai phần mềm hóa đơn điện tử cho hơn 220.000 doanh nghiệp, phát hành 70 triệu hóa đơn mỗi tháng. Chữ ký số MISA được tích hợp trực tiếp với phần mềm hóa đơn điện tử – triển khai cho 100.000 doanh nghiệp, khoảng 40 triệu chữ ký mỗi tháng. Theo ước tính của Bộ Công Thương Việt Nam, việc áp dụng toàn diện hóa đơn điện tử sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm từ 50.000 – 70.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với công tác giao dịch điện tử, MISA cung cấp nền tảng ký hợp đồng điện tử cho 15.000 người dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng trực tuyến, từ đó thúc đẩy giao dịch điện tử và tiết kiệm chi phí. 

Kết luận bài tham luận, ông Trưởng khẳng định với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, MISA cam kết tiếp tục cung cấp các giải pháp số tiên tiến, giúp các tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp lý, nâng cao hiệu quả công việc và tối ưu ngân sách.