Không thể tránh khỏi ghen tuông
Hùng và Nhung làm cùng một công ty, cùng là nhân viên trong một phòng và điều đó cũng làm nảy sinh không ít những phiền toái xảy ra với đôi vợ chồng trẻ.
Nhung là người có máu ghen. Cô cũng không phải là người ghen tuông mọi lúc, mọi nơi nhưng nếu hai người làm ở khác chỗ thì hẳn Nhung và chồng đã không có nhiều cuộc cãi lộn chỉ vì ban chiều một cô đồng nghiệp nữ nào đó “dám đánh mắt đưa tình với Hùng”. Môi trường làm việc nảy sinh nhiều mối quan hệ và là một cá nhân trong môi trường đó không thể nào tự tách mình ra được. Cùng là cánh đàn ông với nhau, Hùng cùng mấy anh bạn đồng nghiệp thi thoảng ngồi nói chuyện bông đùa, tán phét trong giờ nghỉ trưa. Nhưng mỗi khi câu chuyện của cả một tập thể ấy có đả động đến một cô nhân viên nào đó hoặc về đề tài phụ nữ thôi là y như rằng Nhung đánh mắt, nghe ngóng. Và nếu Hùng có lỡ khen hay đánh giá tốt một câu về cô ấy là thế nào tối đó Nhung cũng hằm hè: “Vợ ở kè kè bên cạnh mà còn khen cô khác, nếu không có em ở đó anh chắc có khi buông lời tán tỉnh rồi cũng nên”.
Chuyện lương bổng: những tình huống khó nói
Sau gần 20 năm làm việc cùng cơ quan với bà xã, anh Thanh Huy đã mất hẳn thói quen đi nhận tiền lương, tiền thưởng vì lâu nay vợ… nhận thay! Lâu dần thành quen, đến mức có lần chị bảo anh đi nhận lương hộ, anh chối: “Để hôm sau em nhận cũng được”. Đồng nghiệp nửa đùa nửa thật: “Đã mấy năm nay hắn chẳng biết lương tăng thêm mấy bậc”.
Lấy vợ cùng cơ quan, rất ít ông chồng thoát cảnh “lương không được nhận”. Thậm chí có khoản nào ngoài luồng cũng khó lòng lọt qua khỏi “đôi mắt thám tử” của các bà, trừ phi các ông được “hậu thuẫn
Vợ chồng cùng cơ quan, các bà vợ là người “đứng mũi chịu sào” trước những lời bóng gió. Bởi vậy, để tránh tiếng, một số đôi tự thỏa thuận với nhau: “Trên cơ quan lương ai nấy nhận, nhưng về thì… đưa đủ”. Hoặc ai có mặt thì nhận lương của cả hai
Dẫu vậy, công bằng mà nói thì các ông chồng có vợ cùng cơ quan bị thiệt thòi nhiều hơn. Mất niềm sung sướng được nhận lương, lắm anh chồng cũng mất luôn cả tự do bởi đi đâu, làm gì, vợ đều nắm rõ cả giờ giấc. Gặp vợ hiểu ý, dễ chịu thì không sao còn bằng không, khó mà giấu nổi.
Thật khó xử khi vợ là sếp
Ngày đầu tiên khi Mạnh chuyển đơn vị công tác về phòng Liên làm, anh đã ấn tượng với người con gái trẻ đã giữ chức trưởng phòng. Mạnh là nhân viên dưới quyền của Liên. Sự khâm phục về trí tuệ và năng lực đã khiến sếp nữ nhanh chóng cảm mến và đem lòng yêu Mạnh. Tình yêu của hai người đơm hoa kết trái, đi đến được kết thúc đầy hạnh phúc bằng một đám cưới. Chính môi trường làm việc đã đưa họ đến với nhau nhưng khi là vợ chồng phải làm việc ở cùng một chỗ mà vợ luôn là sếp khiến Mạnh và Liên nhiều khi thấy thật khó xử.
Liên là một người vợ tốt. Khi ở nhà, cô luôn khiêm nhường và tôn trọng chồng. Liên cũng tỏ ra mình là một người phụ nữ yếu đuối, cần sự bao dung và che chở từ chồng vì thế Mạnh cảm thấy mình cũng được xem trọng và là người trụ cột gia đình. Nhưng ở cơ quan, trong vai trò là người lãnh đạo, Liên tuyệt nhiên phải thể hiện một diện mạo cứng cỏi và có thái độ công minh trong công việc. Chính điều này đã đôi lúc làm Mạnh “mất mặt” dù cô không hề muốn thế.
Những buổi họp tổng kết công việc trong phòng, cách xưng hô với chồng cũng là điều khó khăn với Liên. Mặc dù mọi người ở công ty đều biết hai người là vợ chồng nhưng không thể vì thế mà lại xưng hô “em, anh” được. Liên đành chọn cách giữ đúng xưng hô trong môi trường công sở. Nhìn nét mặt có phần ngượng ngập khi nói: “Tôi biết rồi thưa sếp, tôi xin rút kinh nghiệm” của Mạnh khiến Liên thấy có lỗi với chồng vô cùng. Cô hiểu cảm giác của một người đàn ông, một người chồng khi phải nói câu đó với vợ. Nhưng biết làm sao được, bởi vì ở cơ quan, Liên là sếp còn Mạnh là nhân viên. Lần đầu tiên khi anh nói thế, mọi người trong phòng ai cũng lấy tay che miệng tủm tỉm cười. Có người còn nói: “Thôi ở nhà xưng hô thế nào thì giờ cứ nói như thế, mọi người đều hiểu mà” nhưng cả Mạnh và Liên đều biết khó lòng mà làm như vậy được.
Đã đành công việc xuôi chèo mát mái, sếp khen thưởng động viên nhân viên là điều tất yếu nhưng riêng với Mạnh, có xuất sắc đến đâu Liên cũng chỉ dám: “Công việc như vậy là ổn” còn khi Mạnh gặp sai sót, đáng ra chỉ cần phê bình một thì Liên phải khiển trách gấp đôi, ba so với người khác. Biết chồng sau mỗi lần họp tổng kết về là buồn đến độ nghệt mặt và mất ngủ nhưng Liên cũng chỉ biết nén tiếng thở dài.
Làm việc cùng vợ/chồng có thể là “con dao hai lưỡi”: một mặt, bạn nhận được sự hỗ trợ, đồng cảm tối đa từ nửa kia, mặt khác mối quan hệ đồng nghiệp – vợ/chồng đan xen cũng mang lại những rắc rối tác động tiêu cực tới cuộc hôn nhân của bạn.
Có rất nhiều những tình huống dở khóc dở cười khi vợ chồng làm cùng một chỗ. Phần lớn trong số đó tạo ra cảm giác ngượng ngùng, khó xử cho cả hai người. Nhiều cặp vợ chồng vì không giải quyết được vấn đề đã đẩy tình trạng hôn nhân đến sự đổ vỡ mà nguyên nhân chỉ vì làm cùng một nơi khiến họ phải chứng kiến những điều “ngang tai trái mắt”.
Tuy nhiên, với quan điểm rõ ràng cùng thái độ đúng đắn ngay từ khi quyết định làm việc cùng nhau, bạn có thể kiểm soát mối quan hệ “kép” này. Dưới đây là một số bí quyết dành cho bạn:
Luôn tôn trọng bạn đời
Trong công việc, thậm chí nếu bạn là cấp trên của vợ/ chồng mình, hãy duy trì sự tôn trọng và đối xử với anh/ cô ấy lịch sự, trân trọng và tử tế. Giữ vững chuẩn mực này cả ở công ty lẫn ở nhà sẽ giúp bạn dễ hòa hợp với nhau hơn.
Bí quyết đầu tiên sẽ dễ thực hiện hơn nếu bạn luôn tôn trọng bạn đời của mình, cả trong công việc lẫn cuộc sống riêng. Nhiều cặp vợ chồng đã không thể thực hiện điều đơn giản này. Bạn nên chấp nhận sự thật rằng ai cũng có thói quen xấu trong cuộc sống như chàng “nghiện” chơi game còn nàng thích “ngủ nướng” nhưng hãy tôn trọng nửa kia thay vì đi bêu rếu thói xấu của anh/ cô ấy khắp công ty.
Xác định rõ việc nhà và việc cơ quan
Bạn không được lẫn lộn giữa 2 mối quan hệ này. Tất nhiên, nói dễ hơn làm nhưng chỉ với một chút luyện tập, bạn sẽ học được cách phân rõ việc công việc tư.
Trước tiên, hai vợ chồng bạn nên xác định rõ với nhau, gia đình là gia đình và công việc là công việc. Từ đó, hành động thích hợp khi ở nhà và khi ở cơ quan. Đừng mang việc nhà tới cơ quan và ngược lại. Dù bạn đang giận dữ vì vợ quên dọn dẹp nhà cửa, đừng mang vẻ mặt bí xị tới nơi làm việc. Ngược lại, đừng vì chồng mắc sai lầm trong công việc mà bạn thể hiện sự thất vọng ra mặt với anh ấy ở nhà.
Luôn có ý thức bảo vệ cuộc hôn nhân của mình
Dù gì gia đình vẫn là nơi duy nhất bạn có thể nương tựa và quay trở về sau mỗi thành công và thất bại. Do đó, hãy bảo vệ tốt cuộc hôn nhân và gia đình của mình.
Điều quan trọng nhất bạn nên nhớ là dù công việc có ra sao thì gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Kể cả công ty có biến động lớn như thay đổi lãnh đạo hay phá sản nhưng không vì thế mà cuộc hôn nhân của bạn cũng thay đổi.
Tạo không gian riêng cho nhau
“Dính” lấy nhau 24/24 sẽ gây ra sự nhàm chán.
Đôi khi các cặp đôi làm việc quá chặt chẽ với nhau, họ sẽ khó duy trì “bản sắc”, cá tính riêng của mình. Điều này dễ gây ra bất đồng, tranh cãi giữa các cặp vợ cồng. Để tránh tình trạng này, các bạn nên tìm cách giữ không gian riêng cho nhau, chẳng hạn như thỉnh thoảng không cùng nhau đi làm buổi sáng.
Tạo không gian làm việc riêng ngay cả khi ở nhà
Mỗi người nên có không gian riêng để theo đuổi công việc, suy nghĩ, dự án riêng của mình.
Đây là một trong những cách để thực hiện bí quyết ở trên. Thậm chí, cả khi ở nhà, 2 người có thể trao đổi với nhau qua email như một cách làm chuyên nghiệp của đồng nghiệp thông thường thay vì nói chuyện trực tiếp về một dự án chung để hạn chế tranh cãi.
Làm việc khác phòng ban nếu có thể
Tốt nhất 2 người nên làm ở 2 phòng ban/ bộ phận khác nhau với những trách nhiệm khác nhau.
Như đã đề cập ở trên, làm việc quá gần với nhau có thể gây ra tranh cãi không đáng có. Ngoài ra, đồng nghiệp có thể nghi ngờ về sự minh bạch giữa 2 bạn khi làm việc trong cùng một dự án.
Theo Timviecnhanh