Những chú ý cho người làm việc ca đêm

Cơ quan quốc tế Nghiên cứu về bệnh ung thư (IARC) vừa quyết định đưa những giờ làm việc ban đêm vào danh sách những tác nhân gây ung thư. Điều này cũng có nghĩa người lao động có quyền đòi hỏi trợ cấp bệnh nghề nghiệp khi họ phải làm ban đêm.
Những nghiên cứu đáng tin cậy
Các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu về sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường đã quan sát 14.000 người trong 10 năm và nhận thấy nam giới làm việc vào những giờ có tính linh hoạt dễ bị ung thư tuyến tiền liệt hơn những người chỉ làm vào ban ngày.
Các chuyên gia Đan Mạch đến từ Viện nghiên cứu bệnh ung thư đã phân tích dữ liệu từ 7.000 phụ nữ (30 – 50 tuổi) và thấy rằng những phụ nữ phải làm việc ít nhất 6 tháng vào ban đêm có nguy cơ phát triển các khối u ở vú cao hơn.
Richard Stevens, một giáo sư của Trung tâm y tế thuộc ĐH Connecticut (Mỹ) là nhà khoa học đầu tiên quan sát mối liên hệ qua lại giữa việc làm ban đêm và bệnh ung thư vú năm 1987. Nhà khoa học này đã điều tra các nguyên nhân dẫn đến bùng nổ bệnh ung thư vú trong suốt những năm 30 của thế kỷ trước khi nhiều công ty bắt đầu hoạt động 24 giờ mỗi ngày, thu hút hàng triệu nhân công nữ làm việc ngày và đêm.
Những người làm ban đêm cũng có nguy cơ mắc các bệnh tim khác nhau. Các nhà khoa học từ trường ĐH Milan đã theo dõi nhịp tim và thói quen của 22 nam giới làm công việc luyện kim đã từng có một số ca làm đêm khác nhau mỗi tuần. Kết quả cho thấy nhịp tim, hoạt động của hệ thần kinh và tình hình hormone không có thay đổi nào trong suốt những ca làm đêm. Nói cách khác, những người này thức và làm việc trong khi tim và các mạch máu hoạt động như khi họ đang ngủ. Điều đó có nghĩa là các hoạt động về thân thể và hệ thần kinh đã quá sức trong suốt giờ làm đêm.
Nhịp sinh học cần được tôn trọng
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, Rafaello Furlan tin rằng cơ thể con người không thể thích ứng với các hoạt động ban đêm và thường dẫn tới bệnh đau tim. Tuy nhiên, các nhà khoa học không biết chắc chắn về cơ chế của những căn bệnh này đối với thời gian.
Các nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết giải thích ảnh hưởng tiêu cực của những giờ làm đêm đối với sức khoẻ con người. Trước tiên và quan trọng nhất là: con người là một sinh vật hoạt động vào ban ngày. Làm việc vào ban đêm và ngủ ban ngày sẽ làm hại tới nhịp sinh học hàng ngày và gây ra nhiều bệnh.
Một cơ quan trong cơ thể người tạo ra melatonin – hormone gây ngủ vào ban đêm. Hormone này điều chỉnh nhịp sinh học cũng như các hormone khác. Nếu một người không ngủ vào ban đêm, hệ thống này sẽ bị hỏng.
Chính cuộc sống ban đêm cũng gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt của con người. Cư dân ở phía bắc thường bị hội chứng căng thẳng địa cực, do mùa đông ảm đạm kéo dài, thiếu vitamins, những điều kiện khí hậu khắc nghiệt và mùa hè quá nhiều ánh sáng gây ra.
Những hậu quả tiêu cực của việc làm vào ban đêm là không kể xiết. Buồn nôn, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy và ăn mất ngon là những lời than phiền thường có ở những người làm ca đêm. Họ dễ bị mắc u xơ ruột nhiều hơn.
Một giấc ngủ ngon là một điều kiện cần thiết cho hoạt động thông thường của dạ dày. Những ca làm đêm làm tổn thương đồng hồ sinh học, đồng bộ hoá tiêu thụ và tiêu hoá thức ăn.
Trên hết tất cả, những ca làm đêm thường tách biệt mọi người với gia đình, bạn bè và khiến tinh thần thêm căng thẳng.
Thức khuya có thể làm rối loạn hệ thống tuần hoàn, đồng hồ sinh học của cơ thể, không những thế sự gia tăng stress và mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến hành động hàng ngày trong cuộc sống, dẫn đến những quyết định sai lầm trong công việc và các mối quan hệ.
Nhưng đôi khi trong trường hợp bất khả kháng, bạn có việc không thể không hoàn tất, và khi bạn đặt mình xuống ngủ là lúc mặt trời thức dậy, vậy là bạn đã thức trắng một đêm. Mặc dù đó là việc không nên làm, nhưng nếu bạn phải làm thế, bài viết này sẽ cho bạn vài lời khuyên để bạn có thể vượt qua một đêm thức trắng.
Những việc bạn cần làm để giữ đầu óc tỉnh táo:
1. Uống trà hoặc cà phê:
Cánh này cũ nhưng luôn hiệu quả. Tuy nhiên bạn không nên uống quá nhiều, vì những thức uống này có chất kích thích thần kinh, nếu uống quá nhiều, chúng sẽ tác động mạnh và làm bạn khó chịu, thậm chí có ảnh hưởng nghiêm trọng hay lâu dài. Bạn có thể thay thế chúng bằng thức uống mà bạn thích, ấm nóng càng tốt.
2. Một bữa ăn nhẹ:
Thức khuya làm việc là điều hoàn toàn không nằm trong lịch trình hệ tuần hoàn của bạn, vì đó là lúc cơ thể bạn phải chuyển đổi các chất dinh dưỡng và lọc các độc tố. Bạn có thể bổ sung một bữa ăn nhẹ để đánh lừa cơ thể rằng đây không phải lúc ngủ. Ngoài ra, cơ thể luôn hoạt động, liên tục đốt cháy năng lượng, khi đã quá giờ ngủ, năng lượng của những bữa ăn trước đó đã sử dụng gần hết và cơ thể cần nguồn năng lượng bổ sung. Bạn nên ăn các món có nhiều chất bột, vitamin và chất khoáng nhưng không ăn quá no. Các món có sữa, các loại đậu, lúa mì hay cơm là lý tưởng.
* Lưu ý: Thức khuya làm rối loạn hoóc-môn của bạn, một trong những hoóc-môn đó ảnh hưởng đến quá trình tích trữ năng lượng, tăng khả năng tích trữ mỡ và gây béo phì, vì vậy nếu bạn không muốn tăng cân và mất vóc dáng thon thả thì hãy tránh việc thức khuya.
3. Tắm:
Hay thậm chí rửa mặt cũng có tác dụng. Không nên tắm nước nóng quá lâu vì nó sẽ làm bạn thêm buồn ngủ, nhưng cũng nên cẩn thận vì nếu nước quá lạnh bạn sẽ dễ nhiễm bệnh hơn khi tắm vào khoảng thời gian này.
4. Nghe nhạc:
Không phải loại nhạc nhẹ, cổ điển, tùy theo sở thích nhưng bạn nên nghe nhạc có giai điệu nhanh và mạnh. Con người có bản năng luôn giữ tỉnh táo khi bị ảnh hưởng bởi âm thanh lớn và mạnh. Nhưng đừng để âm lượng ảnh hưởng đến những người đã ngủ.
5. Nghỉ ngơi, thư giãn:
Rời khỏi bàn làm việc để thư giãn một chút sẽ giúp bạn giảm stress, khiến bạn không quá mệt mỏi khi làm việc quá sức. Thả lỏng cơ thể, thư giãn, nhưng đừng để mình quá thoải mái vì bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ.
6. Vận động:
Tập vài động tác thể dục hay chạy bộ vài vòng có thể làm cơ thể bạn trở lại trạng thái hoạt động tích cực, làm bạn cảm thấy tỉnh ngủ hơn.
Bạn không cần phải áp dụng tất cả các biện pháp này, chỉ cần rải đều ra, thực hiện khi bạn cảm thấy cơn buồn ngủ tràn đến.
Những điều không nên làm:
1. Đừng bao giờ nằm xuống:
Chỉ cần nằm xuống cơ thể bạn sẽ lập tức đòi hỏi được ngủ khiến bạn buồn ngủ hơn. Dù muốn thư giãn hay nghỉ một chút, bạn có thể ngồi chứ không nên nằm xuống.
2. Đừng ăn các thức ăn quá béo:
Những món ăn này sẽ làm bạn buồn ngủ, tích trữ thêm chất béo không thể chuyển hóa ngay thành năng lượng và tăng nguy cơ béo phì.
3. Đừng để không gian quanh bạn nhàm chán và yên tĩnh:
Ánh sáng yếu, nhiệt độ ấm cúng và không gian tĩnh lặng, đó là những yếu tố lý tưởng cho một giấc ngủ, và đó là điều bạn không muốn trong lúc này.
Ngay sáng hôm sau bạn nên hoàn tất việc mình làm và dù cho có việc gì đi chăng nữa, bạn cũng nên dẹp qua và đi ngủ ngay lập tức. Ảnh hưởng của việc thức khuya rất lớn, dù cho bạn có cố thức, cơ thể của bạn cũng quá mệt mỏi để có thể hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, bạn cần ngủ bù lại cho cả đêm trắng trước đó, cứ mỗi giờ bạn thức, bạn phải ngủ bù ít nhất 2 giờ. Bạn càng thức lâu thì càng phải ngủ bù nhiều hơn, cho nên nếu bạn thức hết đêm trước thì bạn sẽ phải ngủ bù ít nhất là nửa ngày hôm sau.
Thức trắng đêm không phải là một việc bạn nên làm, vì vậy bạn phải cân nhắc thật kỹ càng giữa tác hại và lợi ích mà nó mang lại. Đừng lặp đi lặp lại việc này quá nhiều lần vì nó có thể trở thành thói quen và rất khó để hồi phục lại nhịp độ sinh hoạt bình thường.

Theo Timviecnhanh